Loài đỉa có răng sống trong mũi người

  •  
  • 3.103

Giống đỉa Tyrannobdella rex mới được phát hiện là một “quái vật” thực sự. Chúng có 8 răng bám vào màng nhầy của người và động vật, ở lì trong đó để hút máu trong vài tuần.

Tyrannobdella rex dịch từ tiếng la tinh có nghĩa là “đỉa chúa”. Cách đây 3 năm, bác sĩ Renzo Arauco Brown, làm việc tại một bệnh viện nhỏ ở tỉnh Tchanchamayo (Peru) đã phát hiện ra giống đỉa này.


Loài "đỉa chúa" mới được phát hiện.

Một cô gái đến ông nhờ khám vì bị “đau đầu dữ dội ở vùng trán”, nhưng ông không thấy các triệu chứng nào khác của bệnh đau đầu. Khám thật kỹ, ông thấy trong mũi cô gái có một sinh vật lạ - một con đỉa không giống loài thông thường. Ông bèn gửi con đỉa lạ đến tiến sĩ Mark E. Siddall - phụ trách khoa động vật không xương sống, Viện bảo tàng Tự nhiên Mỹ ở New York.

Nhận được mẫu vật, tiến sĩ Siddall hiểu ngay rằng đó là một loài mới - một con đỉa trông rất không bình thường.

Theo nhà nghiên cứu, tấm danh thiếp của Tyrannobdella rex là một chiếc hàm lạ lùng, trong đó mọc lên 8 cái răng. Bà Anna Phillips, nghiên cứu viên của trường Đại học New York cho biết: “Chiều cao của mỗi chiếc răng là 0,13 mm. Không hiểu còn loài đỉa nào lại có hàm và răng lớn đến thế không. Chiều dài của con đỉa là 5 cm, chiều ngang 1 cm. Trên thân nó có các vạch nâu và vàng đậm. Người ta mới chỉ mới biết đến “quê hương” của nó là thượng nguồn sông Amazon”.

Điều khó chịu nhất của con đỉa Tyrannobdella rex là gây thương tích màng nhầy. Khác với đa số các loài đỉa, chỉ bám vào một địa điểm để hút máu người và các động vật trong vài giờ cho đến khi no thì tự nhả ra thì đỉa Tyrannobdella rex “bám trụ” trong màng nhầy trong vài ngày, thậm chí trong vài tuần.

Người bị đỉa bám trong mũi cảm thấy những chiếc răng của nó cắm sâu và đau đớn, gây khó thở. Nếu như nó làm cho tị hầu (cavum pharyngonasale) bị tổn thương thì sẽ dẫn đến xuất huyết mũi, ho nặng, khạc ra máu. Trong trường hợp nghiêm trọng sẽ bị thiếu máu nặng các dạng khác nhau. Tác giả công trình nghiên cứu cho biết: Các trường hợp bị đỉa hút máu thường xảy ra ở Trung Đông, châu Á và châu Phi. Ở Nam Mỹ hiếm hơn.

Bà Phillips cho rằng loài đỉa này và những loài khác trên thế giới đều có một tổ tiên chung. Giải thích về sự biến dị và địa điểm cư trú, bà cho rằng trước đây chúng cùng sống ở một đại lục địa và cách đây 150 đến 200 triệu năm khi các lục địa bị tách ra và chia thách thành các châu, chúng mới biến dị thành loài khác nhau ở những châu lục khác nhau.

Theo Vietnamnet
  • 3.103