Vào ngày (8/12), các nhà khoa học Úc đã công bố việc tìm thấy hóa thạch đôi mắt giống như mắt côn trùng của loài động vật ăn thịt cổ đại dưới biển cách đây hơn 500 triệu năm, theo AFP.
Loài anomalocaris với hai mắt lồi có cấu tạo như mắt của loài côn trùng hiện nay
Đôi mắt hóa thạch với mỗi mắt có chiều dài 3cm và có đến 16.000 thấu kính, được biết là thuộc loài động vật có vỏ khổng lồ tên anomalocaris, được tìm thấy trong khối đá tại đảo Kangaroo ở Úc.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu John Paterson, thuộc ĐH New England, loài anomalocaris khi trưởng thành có chiều dài khoảng 1m, được mệnh danh là "cá mập trắng lớn" trong kỷ Cambri do khả năng săn mồi chớp nhoáng nhờ đôi mắt cực nhạy nhô ra ngoài thân của nó.
Theo AFP, hiện nay, mắt ruồi có khoảng 3.000 thấu kính, trong khi mắt chuồn chuồn có khoảng 30.000 thấu kính, và chuồn chuồn là loài duy nhất hiện được biết là có đôi mắt có nhiều thấu kính hơn loài anomalocaris.
Trước đây, hóa thạch anomalocaris cũng đã được tìm thấy tại Canada và Trung Quốc, tuy nhiên đây là lần đầu tiên mắt của con anomalocaris được phát hiện còn nguyên vẹn tại đảo Kangaroo.