Dù có bao nhiêu loài hoa mới nhưng cúc chi vẫn là loài hoa được săn đón từ xưa tới nay.
Cứ độ một tháng trước Tết Nguyên đán, lượn lờ các chợ hoa truyền thống ở Hà Nội, bạn sẽ chẳng thấy lạ gì khi bắt gặp những bó, chậu hoa cúc vàng. Tuy nhiên, loài hoa mà các bà, các chị tìm kiếm nhiều nhất lại là một loại cúc có hoa nhỏ xíu, thường gọi là cúc tiến vua, kim cúc hay cúc dược liệu.
Và loại này thì thường được các chị mô tả rằng "phải may mắn lắm mới mua được". Nguyên nhân lớn nhất là bởi cúc chi mỗi năm chỉ có một vụ. Hoa thường bắt đầu được trồng từ tháng 5, tháng 6 dương lịch và bắt đầu nở vào cuối tháng 11 và bắt đầu rực rỡ vào tháng 12, tháng 1.
Cúc chi khác với những loại cúc khác khi có vẻ ngoài nhỏ nhắn từ bông cho đến thân. Cánh hoa xếp chồng lên nhau tạo thành một hình cầu, có bông chỉ bằng cái khuy áo khoác.
Cúc chi ở Hưng Yên chủ yếu trồng để thu hoạch làm thuốc. (Ảnh: Thùy Diễm).
Cúc chi có màu vàng tươi rực rỡ vô cùng nổi bật, thu hút ánh nhìn mỗi khi người ta để mắt tới. Tuy nhiên, vì cánh hoa rất mỏng manh so với những loại cúc khác nên từ công đoạn vận chuyển không phải dễ dàng. Thường thì loài hoa này sẽ được lấy từ cánh đồng chuyên trồng cúc làm dược liệu ở Hưng Yên rồi mới chuyển đi các nơi khác, cho nên nhiều người bán hàng rong cũng rất e ngại sẽ không bảo toàn được nguyên cánh hoa.
"Thật ra cúc chi không phải là một loài hoa mới, trong khi năm nay có trào lưu cứ săn lùng các loại hoa độc lạ, hoa lai rồi cánh kép về cắm, vừa rẻ, vừa bền. Song, với mình, trong nhà cứ phải có cúc chi thì mới thấy rõ không khí Tết đang về. Mình về làm dâu đã 18 năm và năm nào không mình thì mẹ chồng cũng phải săn bằng được hoa cúc chi. Như mọi năm thì tuần nào cũng thửa được một bình, còn năm nay thì cả mùa mới mua được 1 bó", chị Lan Anh (Ba Đình, Hà Nội) kể.
Tuy cánh mỏng manh nhưng nếu đã mang về trưng thì cúc chi lại rất bền, phải tới 7-10 ngày mới tàn nếu thay nước hàng ngày. Đây cũng là loại hoa không kén người cắm, bởi chỉ cần vài thao tác đơn giản như tuốt lá, cắt một chút gốc và chọn một chiếc bình gốm một màu. Cúc chi đẹp kiểu dân giã nên bình càng đơn giản càng tốt. Trên mạng xã hội dịp này, thay vì khoe cúc họa mi như trước, chị em đua nhau cập nhật những bình hoa cúc chi vàng rực trong các hội nhóm của những người yêu hoa.
Mua được hoa cúc chi về cắm bình, chị Thúy Toàn phấn khởi khoe thành quả.
Chị Thúy Toàn (Quảng Ninh) cũng rất thích thú với loài hoa lâu năm này. Tuy nhiên, chị cho biết ở chỗ chị thường không dễ mua được, kể cả có dặn trước cô bán hoa quen thì cũng chưa chắc đã có ngay. Do đó, mỗi lần mua được là chị phải cắm bình, chăm sóc rồi ghi lại các khoảnh khắc ngay.
Trong khi đó, chị Thúy Trần (Hà Nội) đã thửa được những bó hoa cúc chi đẹp nhất để mang về phủ kín hiên nhà. Theo như tiết lộ, để hoàn thành "khu vườn cổ tích này", chị đã đầu tư tới 100 đon cúc chi (mỗi đon là khoảng 3 bó) và tốn khoảng 4 giờ liền đứng cắm.
Khu vườn cúc chi do tự tay chị Thúy Trần thực hiện.
Sau một thời gian, đến khi đổi sang loại hoa khác thì chị sẽ đem ra trồng lại vào các chậu trong vườn để chơi được lâu hơn nữa.
Hoa cúc, đặc biệt cúc chi từ xưa đến nay được mệnh danh là một trong những loại thảo dược quý, như một phương thuốc chữa bệnh trong đông y. Uống trà hoa cúc giúp tinh thần thoải mái, an thần, đẹp da và thanh nhiệt.
Chị Kim Huệ (Hà Nội) cho biết: “Mình có trồng một gốc cây nhỏ cúc chi ở ngoài ban công, tưới nước đều đặn. Chăm dần cây ngày một lớn, những đốm vàng nhỏ xinh nở giữa không trung nhìn rất đẹp. Từ một nhánh gốc mà chúng đẻ nhiều cành con, cành nào cành nấy dày bông. Mình thường cắt vào bình để cắm và thu hoạch bông để làm trà để uống, rất tốt cho sức khỏe. Đúng kiểu tiện cả đôi đường”.
Uống trà hoa cúc giúp tinh thần thoải mái, an thần, đẹp da và thanh nhiệt.
Theo thông tin tìm hiểu, trên thị trường hoa cúc chi sấy có giá thành dao động từ 500.000-800.000 đồng/kg. Trong khi đó, nếu như chị em mua cành cúc chi về thì dao động từ 100.000-180.000 đồng/đon cúc chi (khoảng 3 bó cúc chi). Thậm chí, nhiều gia đình còn mua cả cây cúc chi về làm chậu cảnh với giá thành 300.000-700.000 đồng/chậu.