Cây cao nhất châu Á mọc ở hẻm núi sâu nhất thế giới

  •  
  • 404

Với chiều cao 102m, cây bách khổng lồ mới phát hiện trong khu rừng ở Tây Tạng cao hơn nhiều so với tượng Nữ thần Tự do.

 Cây bách giữ kỷ lục cao nhất châu Á.
Cây bách giữ kỷ lục cao nhất châu Á. (Ảnh: Đại học Bắc Kinh).

Một cây bách ở Trung Quốccây cao nhất được phát hiện ở châu Á. Cây bách này cũng được cho là cây cao thứ hai trên thế giới, với chiều cao 102m, vượt xa tượng Nữ thần Tự do (93m). Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Bắc Kinh phát hiện cây bách khổng lồ hồi tháng 5 ở khu bảo tồn tự nhiên hẻm núi Nhã Lỗ Tạng Bố tại huyện Ba Mật thuộc địa khu Lâm Chi, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc, theo thông báo hôm 19/6 của trường. Nhã Lỗ Tạng Bố là hẻm núi sâu nhất thế giới với độ sâu tối đa 6.009 m.

Tuy chưa rõ cây bách thuộc loài nào, các nhà nghiên cứu suy đoán đó có thể là loài bách Himalaya (Cupressus torulosa) hoặc bách Tây Tạng (Cupressus gigantea). Cây bách đại thụ có đường kính 2,9m. Trước phát hiện này, cây cao nhất châu Á là một cây gỗ yellow meranti (Shorea faguetiana) cao 101 m nằm ở khu bảo tồn thung lũng Danum tại Sabah, Malaysia.

Khu tự trị Tây Tạng có hệ sinh thái độc đáo, chịu ảnh hưởng ngày càng nhiều từ quá trình phát triển và biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, khu vực ở địa khu Lâm Chi gần đây là trọng tâm của nỗ lực bảo tồn nhằm bảo vệ hệ động thực vật. Nhóm nghiên cứu ở Đại học Bắc Kinh ghi chép những cây cao trong vùng nhằm hiểu rõ hơn đa dạng môi trường và giúp đỡ hoạt động bảo vệ hệ sinh thái.

Hồi tháng 5/2022, các nhà nghiên cứu tìm thấy cây linh sam cao 83 m ở tây nam Trung Quốc. Ban đầu họ cho rằng đây là cây lớn nhất nước này. Cả nhóm cũng phát hiện cây cao 77 m ở huyện Mạt Thoát trước đó một tháng. Tiếp tục khảo sát trong năm nay, các nhà nghiên cứu sử dụng drone, laser và radar để lập bản đồ cây trong khu vực và xác định chiều cao của chúng từ mặt đất.

 Cây bách đại thụ trong ảnh chụp từ gốc tới ngọn.
Cây bách đại thụ trong ảnh chụp từ gốc tới ngọn. (Ảnh: Đại học Bắc Kinh).

Sau nhiều ngày khảo sát thực địa, cây bách ở huyện Ba Mật được xác nhận là cây cao nhất châu Á. Thông qua drone, máy quét laser 3D và công nghệ LIDAR, sử dụng chùm ánh sáng để đo đạc khoảng cách, nhóm nghiên cứu tạo ra mô hình 3D của cây đại thụ, cung cấp kích thước chính xác. Dữ liệu cho phép họ xác nhận đây là cây cao nhất châu Á.

Guo Qinghua, giáo sư ở Viện cảm biến từ xa thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết cây bách này rất thú vị bởi hệ rễ của nó không hoàn toàn vùi dưới lòng đất. Cây cũng có hệ thống cành nhánh phức tạp, cung cấp môi trường và vi khí hậu lý tưởng cho một số thực vật và động vật nguy cấp.

Hiện nay, cây cao nhất thế giới là cây tùng gỗ đỏ ven biển (Sequoia sempervirens) cao 116m trong vườn quốc gia tùng gỗ đỏ ở California. Cây tùng ước tính 600 – 800 năm tuổi và có biệt danh Hyperion đặt theo tên người khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp, được phát hiện vào năm 2006.

Cập nhật: 23/06/2023 VnExpress
  • 404