Loạt mây "đứng yên" nhìn từ vũ trụ

  •  
  • 351

Vệ tinh Landsat 8 chụp ảnh những đám mây hiếm gặp lơ lửng phía trên dãy núi Eisenhower thuộc dãy núi Xuyên Nam Cực.

Dãy núi Eisenhower có sông băng Priestley chắn phía bắc và sông băng Reeves chắn phía nam. Hai con sông này đều đổ ra thềm băng Nansen, vịnh Terra Nova. Những đám mây trắng mềm phía trên dãy núi trong ảnh chụp của vệ tinh Landsat 8 là mây dạng thấu kính, SciTechDaily hôm 25/1 đưa tin.


Mây dạng thấu kính trên núi Eisenhower do vệ tinh Landsat 8 chụp ngày 29/12/2020. (Ảnh: NASA Earth Observatory).

Mây dạng thấu kính đổ bóng đen lên vùng băng tuyết bên dưới. Với hình dạng độc đáo, chúng đôi khi bị nhầm lẫn với UFO khi nhìn từ dưới mặt đất.

Mây dạng thấu kính xuất hiện dọc theo các đỉnh của sóng núi. Sóng núi hình thành khi luồng gió thổi nhanh bị gián đoạn bởi một rào chắn địa hình, trong trường hợp này là dãy núi Eisenhower. Không khí buộc phải bốc lên và bay qua núi, tạo ra các đợt sóng không khí di chuyển lên xuống theo dãy núi. Luồng khí bốc lên nguội đi và hơi nước ngưng tụ thành mây.

Mây dạng thấu kính trông như luôn cố định, thậm chí đứng yên hàng giờ đồng hồ bất chấp gió thổi mạnh theo chiều ngang. Thực chất, chúng liên tục tan bớt rồi lại được bồi đắp xung quanh đỉnh sóng.


Mây dạng thấu kính gần chỏm băng Penny. (Ảnh: NASA/John Sonntag).

Tại Mỹ, mây dạng thấu kính xuất hiện nhiều xung quanh dãy núi Rocky. Chúng cũng xuất hiện trên các núi tại Nam Cực nhưng rất ít khi quan sát được. Màu trắng của mây lẫn với màu trắng của băng khiến đám mây trở nên khó phát hiện, kể cả trong ảnh vệ tinh.

Chỉ một số ít người từng quan sát trực tiếp mây dạng thấu kính ở Nam Cực, trong đó có các nhà khoa học thuộc chương trình Operation Icebridge của NASA. Họ từng chụp ảnh loại mây này gần núi Discovery năm 2013 và chỏm băng Penny năm 2015.

Cập nhật: 27/01/2021 Theo VnExpress
  • 351