Lũ lịch sử, người chết, nhà ngập nóc, xuồng cứu hộ lật

  •  
  • 454

Ngồi trên canô chạy vào rốn lũ, phóng viên VietNamNet không thể nhận ra đâu là nhà, đâu là đường vì chỉ có trắng xóa là nước, thỉnh thoảng vài mái nhà nhô lên; trên nóc lố nhố mấy người dân.

6h40: Có mặt trên ca nô chạy vào vùng rốn lũ Quảng Bình, phóng viên VietNamNet nhận được thông tin từ ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: Chưa thể nắm hết được thiệt hại vì chưa có thông tin gì. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình suốt đêm qua đã vào cứu đói, cứu dân và đến 3h sáng đã cứu được 400 người.

Ca nô phóng viên VietNamNet có mặt đang chạy qua Phong Hóa (Quảng Bình). Đây chưa phải vùng bị ngập nặng nhất nhưng theo quan sát, những nhà cao nhất ngập hết tầng 1, có chỗ lên nửa tầng 2, nhà cấp 4 chỉ còn thấy phần mái.

Trên đường vào rốn lũ, phóng viên VietNamNet thấy lác đác người dân ngồi trên nóc nhà, trên bè và trên thuyền. Những phao đo mực nước trên sông Gianh đều đứt tung và bị cuốn vào bờ. Nước ngập nửa hầm đường sắt chứng tỏ đường sắt đã chìm rất sâu.

Ô tô tải gầm cao còn có thể lầm lũi bò... (Ảnh chụp tại Hà Tĩnh chiều 7/8)

Lãnh đạo địa phương ngồi trên ca nô không nhận ra địa bàn, phường xã, chỉ dò theo bản đồ của quân đội. Một lãnh đạo tỉnh ngồi trên ca nô cho biết, trong vùng ngập nặng có 80.000 dân.

Sau khi chạy suốt đêm, ca nô đến được trụ sở xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa. Tại đây nước ngập nửa tầng 1, có khoảng 20 người dân trú ẩn và kỳ lạ là không có bất kỳ cán bộ xã nào có mặt tại trụ sở.

Ông Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình lập tức phê bình và yêu cầu huyện Tuyên Hóa có biện pháp xử lý gấp để cứu dân. Một người dân có mặt tại trụ sở xã cho biết, xã Phong Hóa đêm qua có 3 người chết. Nước bắt đầu xuống nhưng chảy rất xiết, nhiều nhà cấp 4 bắt đầu đổ.

Theo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình, một tàu cứu hộ đã bị lật ở xã Tiến Hóa rồi trôi xuống xã Văn Hóa (cách 10km); trên tàu có 12 chiến sĩ, đến lúc 8h đã cứu được 10 người, hai người vẫn kẹt trong khoang. Đến 9h15 cứu thêm được một chiến sĩ nữa trong tình trạng nguy kịch và một chiến sĩ vẫn mắc kẹt ở trong.

Tại xã Mai Hóa, đập hồ thủy lợi sắp vỡ nên UBND và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã điều động lực lượng sơ tán dân ở toàn bộ khu vực này. Trên đường đến đập Bẹ, ông Phương đã nghĩ đến giải pháp cho nổ mìn đập phụ để xả nước trong hồ, cũng nhằm xả bớt lũ.

Để cứu hộ cho 10 xã huyện Tuyên Hóa, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình đã điều động 1 tiểu đoàn quân chủ lực, một đại đội công binh, 4 tàu lớn và 8 xe đặc chủng.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Diên, trực ban Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Bình cho biết, trận lũ lên quá nhanh ngay trong đêm và vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1996 0,64m. Hầu hết các xã vùng ven, người dân phải lên nóc nhà, cành cây.

Địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ cứu hộ dân, cứu được ai đưa đến chỗ cao. Ban chỉ huy tập hợp số liệu và đến thời điểm này vẫn chưa thể có báo cáo nhanh.

10h15, phóng viên VietNamNet có mặt tại đập Bẹ, ngăn nước cho hồ thủy lợi Minh Hóa. Mực nước hồ cao so với mực nước lũ cả trăm mét. Hiện nước còn cách đỉnh đập 7-8m và đang tiếp dục dâng lên. Chỗ yếu là đoạn đập đang sửa, đã bóc hết bê tông, đang đổ đất lên, mực nước đã gần tràn đến chỗ đắp đất.

Nếu đập này vỡ sẽ quét sạch 3 xã: Phong Hóa, Mai Hóa, Châu Hóa. Đội thi công hiện tại rất mỏng, chỉ còn vài chiếc máy xúc.

Theo nhận định của cán bộ thủy lợi, nếu trời lại tiếp tục mưa to đập sẽ vỡ. Người dân xung quanh vẫn rất bình thản vì chưa nhận được cảnh báo.

Đến 10h, lực lượng cứu hộ chưa có mặt để di dân theo yêu cầu.

Đến 10h30, qua điện thoại, anh Lương Duy Bích, thượng tá quân đội về nghỉ phép cho biết, lúc 1h30 đêm qua, nước đã lên đến điểm cao nhất, khoảng 50cm lên đến trần nhà anh. Hiện nước đang rút nhưng nhiều người vẫn trong tình trạng nguy hiểm.

Sáng nay nước ngưng, hiện tại đang rút rất chậm, 1 tiếng được 20cm. Một số người ngập nặng được đội cứu hộ của huyện đón lúc 8-9h, sau đó gọi cứu hộ rất đông nhưng không thấy ai.

Theo phóng viên VietNamNet tại Cảnh Hóa (Tuyên Hóa), trời đã ngừng mưa, hửng nắng, chục chiếc ca nô vẫn đang cần mẫn cứu hộ nhưng chưa có thông tin về thiệt hại.

Vượt đỉnh lũ năm 1993, 1996

Theo Trung tâm Quốc gia dự báo Khí tượng thủy văn, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa từ 1h ngày 6/8 đến 4h ngày 8/8 đo được tại trạm Hà Tĩnh là 509mm; Hương Khê là 980mm; Chu Lễ là 687mm; Đồng Tâm là 1038mm; Mai Hóa là 849mm.

Lũ trên các sông ở Hà Tĩnh đang lên nhanh; lũ trên sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) và sông Srêpôk (tỉnh Đăklăk) đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Mực nước đỉnh lũ trên sông Gianh tại Đồng Tâm là 18,34m vào lúc 21h ngày 7/8 ở mức lũ lịch sử năm 1993 (18,32m), tại Mai Hóa là 9,48m vào lúc 24h ngày 7/8 (trên mức báo động 3 là 3,48 m và cao hơn lũ lịch sử năm 1993 là 0,65m); sông Srêpôk tại Bản Đôn là 175,84m vào lúc 19h ngày 7/8 (trên báo động 3 là 2,74m).

Mực nước lúc 4h ngày 8/8, trên sông Gianh tại Đồng Tâm là 17,55m (trên báo động 3 là 1,55 m), tại Mai Hóa là 9,22m (trên mức báo động 3 là 3,22m và cao hơn lũ lịch sử năm 1993 là 0,39m); sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ (tỉnh Hà Tĩnh) là 16,01m (trên báo động 3 là 3,01m và cao hơn lũ lịch sử năm 1996 là 0,59m), tại Hòa Duyệt (tỉnh Hà Tĩnh) là 10,28m (trên báo động 3 là 0,28 m); sông La tại Linh Cảm (tỉnh Hà Tĩnh) là 3,61m (dưới báo động 1 là 0,39m).

Dự báo lũ trên các sông ở Hà Tĩnh tiếp tục lên nhanh, sông Gianh tại Mai Hóa và sông Srêpôk tại Bản Đôn xuống chậm và còn duy trì ở mức rất cao. Chiều tối nay (8/8), mực nước sông La tại Linh Cảm có khả năng đạt đỉnh ở mức 5,3 m (dưới báo động 2 là 0,2m); mực nước sông Gianh tại Mai Hóa có khả năng xuống mức 8,0m (trên báo động 3 là 2,0 m); sông Srêpôk tại Bản Đôn xuống mức 175,10m (trên báo động 3 là 2,0m).

Kỳ Nhân - Quang Cường - Chi Mai

Theo Vietnamnet
  • 454