Luận án về vũ trụ của Stephen Hawking gây... sập mạng

  •   52
  • 7.791

Ngay khi luận án tiến sĩ của nhà khoa học Stephen Hawking được cho tải miễn phí, trang chủ Đại học Cambridge (Anh) đã sập mạng vì quá nhiều người truy cập.

Đêm 23/10 theo giờ Việt Nam, Đại học Cambridge đã lần đầu tiên phát hành trực tuyến nội dung trong luận án tiến sĩ của ông Hawking năm 1966, thời điểm nhà vật lý lý thuyết lừng danh này mới 24 tuổi.

Luận án này có tên "Properties of Expanding Universes", tạm dịch là "Tính giãn nở của vũ trụ". Nó cung cấp nghiên cứu về nguồn gốc vũ trụ, vốn đã là công trình khiến tên tuổi ông Hawking vang danh.

Nhà khoa học vũ trụ Stephen Hawking
Nhà khoa học vũ trụ Stephen Hawking - (Ảnh: Reuters).

Gần như ngay sau khi được "tải miễn phí", luận án trở thành tài liệu nhận yêu cầu tải về nhiều nhất trên trang web trường.

Do một lượng truy cập quá lớn ập tới, trang web của trường đại học danh tiếng này bị tê liệt trong cả ngày hôm qua.

"Chúng tôi đã nhận một phản ứng rất lớn đối với quyết định của Giáo sư Hawking khi cho phép tải luận án của ông, với gần 60.000 lượt tải về trong vòng chưa đầy 24 giờ. Kết quả là, người truy cập vào mục Open Access của chúng tôi có thể thấy bị chậm hơn bình thường, và có thể nhiều lúc bị tạm thời gián đoạn", Guardian dẫn lời phát ngôn viên Đại học Cambridge.

Về phần Hawking, ông cho biết bản thân hi vọng việc công bố tài liệu sẽ giúp "tạo cảm hứng cho mọi người trên thế giới, để họ nhìn lên các vì sao chứ không phải cúi xuống để chỉ thấy bàn chân của mình; để họ tự hỏi về vị trí của chúng ta trong vũ trụ, rồi cố gắng và hiểu được vũ trụ", theo AP.

Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942, là một nhà vật lý lý thuyết, nhà vũ trụ học và hiện giữ vai trò Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học lý thuyết của Đại học Cambridge.

Ông cũng nổi tiếng với cuốn sách Lược sử thời gian, viết về vũ trụ. Đây được mệnh danh là quyển "best sellers chưa đọc", ý nói rất nhiều độc giả đã sở hữu nó nhưng đa phần không ai "ngốn" nổi lượng kiến thức khoa học trong đó, thậm chí không thể đọc hết.

Vì nhiều lý do ở cả đóng góp khoa học lẫn hình tượng cá nhân, ông Hawking được xem như một trong những nhà khoa học lừng lẫy nhất còn đang sống, với nhiều cuốn sách và cả phim ảnh về ông.

Không hiểu vì lí do gì ông Hawking lại công bố luận án của mình ở thời điểm này. Tuy nhiên nếu xét đến một cuộc tranh cãi nảy lửa trong giới khoa học vũ trụ vài tháng trước, có thể thấy luận án của ông Hawking đưa ra nhiều khả năng nhằm "dằn mặt" những người hoài nghi về lý thuyết vũ trụ giãn nở cũng như Vụ Nổ Lớn (Big Bang) khai sinh ra vũ trụ.

Giải thích vụ nổ Big Bang.
Giải thích vụ nổ Big Bang. Điểm sáng bên trái là thời khắc diễn ra vụ nổ, dẫn tới việc vũ trụ giãn nở ra theo chiều không gian suốt 13,7 tỉ năm qua - độ tuổi ước tính của vũ trụ - (Ảnh: NASA).

Hồi tháng 5 qua, ông Hawking cùng 32 nhà khoa học khác đã cùng viết một bức thư được mô tả "giận dữ" nhằm đáp lại bài báo xuất bản trên tạp chí khoa học Scientific American.

Nhóm 33 nhà khoa học khẳng định rằng lý thuyết lạm phát vũ trụ (theory of inflation) vẫn là một trong những mô hình tốt nhất có thể giải thích được nguồn gốc vũ trụ, theo tạp chí Newsweek.

Trước đó trong tháng 2, tờ Scientific American đã đăng tải một bài viết của bộ ba nhà khoa học vật lý Anna Ijjas, Paul J. Steinhardt, Abraham Loeb.

Bài viết có tựa đề "Pop Goes the Universe", trong đó phản đối lý thuyết giãn nở của vũ trụ, lập luận rằng tất cả những người ủng hộ thuyết trên đều đang cắm đầu tin vào một lý thuyết không có bằng chứng thực nghiệm.

Từ lâu nay, trong sách giáo khoa của nhiều nước trên thế giới đều lấy Big Bang làm lý thuyết nói về nguồn gốc vũ trụ.

Theo thuyết Big Bang và sau này là lý thuyết lạm phát vũ trụ, có một vụ nổ diễn ra cách đây 13,7 tỉ năm để khai sinh ra vũ trụ. Từ sau sự kiện Big Bang, vũ trụ trở nên cực nóng và "giãn" ra liên tục cho đến nay (và sẽ tiếp tục giãn nở). Các thiên hà trong vũ trụ vì thế ngày càng "trôi" ra xa nhau hơn.

Nhưng theo bộ ba nhà khoa học nêu trên, vũ trụ hiện tại phải được giải thích theo "Big Bounce", tức là "một cú chuyển mình/hồi phục lớn".

Mô tả về Big Bounce.
Mô tả về Big Bounce. Vũ trụ sẽ hẹp dần về điểm nóng nhất, rồi lại thực hiện "cú nhảy hồi phục" để lại giãn nở.

Theo đó thì vũ trụ không chỉ là vụ nổ khởi thủy và mở rộng mãi mãi, mà hoạt động theo chu kỳ. Tức là khi năng lượng vũ trụ cạn kiệt, nó sẽ quay về trạng thái ban đầu, rồi lại trở nên cực nóng và cực rắn – cô đặc, để lại xảy ra một vụ nổ hoặc biến cố tiếp theo để giãn nở.

Cập nhật: 24/10/2017 Theo Tuổi Trẻ
  • 52
  • 7.791