Lý giải nguyên nhân ăn thức ăn thừa để trong tủ lạnh có thể gây ung thư

Những loại thức ăn không nên để qua đêm
  •   52
  • 9.541

Dù lưu trữ trong tủ lạnh thì vẫn có quá trình biến đổi protein xảy ra, làm cho thực phẩm mất chất dinh dưỡng và chuyển thành chất độc.

Nguyên nhân khiến thức ăn thừa để trong tủ lạnh có thể gây ung thư

Nhiều người có quan niệm nếu thức ăn thừa có thể cất đi vào tủ lạnh để ngày mai, ngày kia ăn cũng không sao.

Nhưng theo kỹ sư hóa thực phẩm, Hồ Thị Thu Thủy nguyên cán bộ Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm Miền Trung: "Mặc dù khó kết luận ăn thực phẩm để qua đêm có phải là nguyên nhân gây ung thư không nhưng không thể phủ nhận một điều là thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh vẫn bị biến đổi tuy nhiên tốc độ chậm hơn so với để ở bên ngoài. Vì ở nhiệt độ tủ lạnh thường 5-8 độ C, vi sinh vật ưa lạnh vẫn phát triển và quá trình biến đổi protein trong thực phẩm vẫn diễn ra. Quá trình này tạo nitrat, nitrit. Khi muối nitrat khi vào cơ thể người tham gia phản ứng khử ở dạ dày và đường ruột do tác dụng của các men tiêu hóa sinh ra NO2-. Nitrit rất độc, với hàm lượng 0,01 mg/l đã có thể gây độc hại cho sức khỏe con người".

Khi bị ngộ độc nitrit thì cơ thể sẽ không thể làm tròn chức năng hô hấp, có các biểu hiện như khó thở, ngột ngạt. Với hàm lượng cao hơn có thể gây ức chế oxy dẫn đến hiện tượng thiếu oxy trong máu làm cho cơ thể bị choáng váng và ngất khi đang làm việc hay vui chơi. Trường hợp nhiễm độc trầm trọng nếu không được cứu chữa kịp thời dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Ngoài ra, NO2- trong cơ thể dễ tác dụng với các amin tạo thành nitrosamine-1 hợp chất tiền ung thư. Hàm lượng nitrosamin cao khiến cơ thể không kịp đào thải, tích lũy lâu ngày trong gan có thể gây ra hiện tượng nhiễm độc, ung thư.

Nhiều người tiêu dùng thường nghĩ bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh thì thực phẩm sẽ an toàn, tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Dù lưu trữ trong tủ lạnh thì vẫn có quá trình biến đổi protein xảy ra, làm cho thực phẩm mất chất dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, việc đun nấu ở nhiệt độ cao cũng chỉ giúp diệt các vi khuẩn, nấm mốc có hại trong thức ăn, nhưng hàm lượng các chất độc như nitrit vẫn không thay đổi.

Lý giải nguyên nhân ăn thức ăn thừa để trong tủ lạnh có thể gây ung thư
Dù lưu trữ trong tủ lạnh thì vẫn có quá trình biến đổi protein xảy ra, làm cho thực phẩm mất chất dinh dưỡng và chuyển thành chất độc. (Ảnh minh họa).

Thói quen ăn không khoa học giết chết chúng ta

Trường Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) đã làm một số thí nghiệm chứng minh đồ ăn thừa dù được bảo quản trong tủ lạnh vẫn dễ bị phân hủy tạo ra các hợp chất nitrit – một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư.

Nitrat (công thức hóa học là NO3-) và nitrit (công thức hóa học là NO2-) là hợp chất của nitơ và oxy, tồn tại trong đồ ăn do kết quả của quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên. Thông thường nitrat không gây ảnh hưởng sức khỏe, tuy nhiên nếu nồng độ nitrat quá lớn hoặc nitrat bị chuyển hóa thành nitrit sẽ gây độc cho con người. Nhiễm độc nhẹ biểu hiện bằng tình trạng ngộ độc, độc tích tụ lâu ngày có thể là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư.

Để đo nồng độ nitrit trong đồ ăn đã nấu chín để qua đêm, nhóm nghiên cứu đã chọn 4 đĩa đồ ăn: rau cải xào, hẹ xào trứng, thịt kho tàu và cá trích kho. Những món ăn này được chế biến bởi một nhà hàng có tiếng, đều hợp vệ sinh, hàm lượng nitrit đạt tiêu chuẩn cho phép. Bốn đĩa thức ăn được bọc kín và bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4 độ C.

Sau 6 giờ, hàm lượng nitrit trong rau cải xào tăng 16%, hẹ xào trứng tăng 6%, riêng hàm lượng nitrit trong thịt kho tàu và cá kho tăng đến trên 70%, vượt ngưỡng tiêu chuẩn là 3mg/kg thịt.

Sau 18 giờ, các món ăn được cho vào lò vi sóng hâm nóng rồi mang đi xét nghiệm, hàm lượng nitrit trong rau cải xào đã tăng đột biến, cao hơn 443% so với hàm lượng đo được sau 6 giờ. Hàm lượng nitrit trong cá trích kho cũng tăng đến 54%, hẹ xào trứng tăng 47%, riêng thịt kho tàu không có biến đổi lớn về hàm lượng nitrit.

Theo các chuyên gia y tế có rất nhiều trường hợp bị ung thư đều có nguyên nhân xuất phát từ thói quen ăn uống xấu, trong đó có cả thói quen thường xuyên ăn đồ ăn thừa để qua nhiều ngày. Ngoài ra, nhiều người trẻ tuổi còn có những thói quen không tốt khác như ăn quá nhiều đồ chiên rán, đồ nướng tẩm ướp nhiều gia vị ở các hàng quán ven đường không đảm bảo vệ sinh. Những thói quen này khiến hàm lượng nitrit tích tụ trong cơ thể nhiều hơn và nguy cơ dẫn đến ung thư cũng tăng cao hơn.

Bên cạnh đó, bạn cần biết cách bảo quản một số loại thực phẩm phổ biến, hay dùng hàng ngày một cách thích hợp để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

4 món ăn sau đây thì tuyệt đối nên tránh vì chúng đem lại nhiều tác hại không mong muốn cho sức khỏe

Các loại rau xanh

Trong rau xanh có hàm lượng nitrat khá nhiều, sau khi đun nấu và để quá lâu, vi khuẩn trong món ăn sẽ phân hủy khiến lượng nitrat có sẵn biến chất, trở thành chất gây ung thư nitrite. Cho dù có hàm lượng không lớn, chưa đến mức độ kích phát tế bào ung thư ngay thì chúng cũng gây hại cho cơ thể.

Đồ ăn thừa dù được bảo quản trong tủ lạnh vẫn dễ bị phân hủy tạo ra các hợp chất nitrit
Đồ ăn thừa dù được bảo quản trong tủ lạnh vẫn dễ bị phân hủy tạo ra các hợp chất nitrit - một trong những nguyên nhân gây ra ung thư.

Hải sản

Các loại cá, hải sản đem tới rất nhiều protein bổ dưỡng cho người dùng nhưng cũng đứng top đầu danh sách thực phẩm tuyệt đối không nên để qua đêm. Chỉ sau một đêm, các protein trong hải sản sẽ phân hủy, vi khuẩn dễ tấn công và không thể loại bỏ hết hoàn toàn dù đun nấu ở nhiệt độ cao. Bên cạnh đó, hải sản cũng là thức ăn có chứa nhiều muối trong thịt, chuyển hóa và sản sinh ra nitric gây nguy cơ ung thư.

Như vậy, người dùng không nên ăn hải sản để thừa từ đêm hôm trước để tránh các nguy cơ nôn mửa, ngộ độc, tiêu chảy và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

Cơm nguội

Theo bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nên hạn chế ăn cơm nguội qua đêm.

Đặc trưng của cơm nguội là nhanh thiu, vì nó chứa nhiều tinh bột và đường nên rất dễ nhiễm khuẩn. Khi nhiễm khuẩn, cơm nguội có màu hơi ngả vàng, không còn kết dính. Người ăn vào có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng sức khỏe, nhẹ thì rối loạn tiêu hóa, nặng thì ngộ độc cấp.

Nếu buộc phải tái sử dụng thì nên bảo quản thật tốt, trong điều kiện nhiệt độ lý tưởng để hạn chế vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Khi cơm bị hỏng, có màu lạ hay có mùi bất thường thì phải bỏ đi ngay, làm nóng cơm cũng không có tác dụng.

Trứng và các món chế biến từ trứng

Với trứng gà luộc để qua đêm, việc bảo quản trong nhiệt độ trên 10 độ C sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Nhất là các loại trứng có lòng đỏ chưa được chế biến kỹ, ví dụ như luộc chưa chín, luộc lòng đào… thì lại càng không nên ăn. Nếu không, các bạn có thể mắc phải nhiều triệu chứng như dạ dày khó chịu, chướng khí, đầy hơi, thậm chí là tiêu chảy...

Bên cạnh đó, những món ăn sử dụng nhiều loại gia vị trong quá trình chế biến, đun nấu cũng không nên để thừa tới ngày hôm sau mới sử dụng lại. Dù là giấm, ớt, muối, đường… đều dễ sinh ra nấm mốc dù được bảo quản trong tủ lạnh ở ngăn mát, tiềm tàng nguy cơ tiêu chảy, đau bụng và ngộ độc với những ai có hệ tiêu hóa kém.

Nước trà xanh

Trà xanh để lâu thường xỉn màu, những loại vitamin C chống oxy hóa trong nước trà xanh sẽ bị phân hủy. Nếu uống sẽ có một số vi khuẩn, vi nấm gây hại cho sức khỏe.

Các loại nấm nấu chín

Nấm nấu chín để qua đêm sẽ không còn dinh dưỡng, nitrit có trong nấm sẽ bị phân hủy thành độc tố.

Các món gỏi, nộm

Do không được nấu chín nên những thức ăn từ gỏi, nộm dễ xuất hiện các độc tố lạ gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Canh các loại

Trong các loại canh có chứa gia vị như mắm, muối, bột ngọt…những chất này gây ra phản ứng hóa học khiến cơ thể bị ngộ độc, lâu dài sẽ phá hủy tủy xương, thiếu máu, suy thận, suy gan, thậm chí ung thư…

Thông thường trong vòng 4 tiếng đồng hồ sau khi ngộ độc thực phẩm, cơ thể sẽ có những biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, nôn ói, choáng váng, nhìn mờ, thở không được, sốt cao, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời sơ cứu.

Để tránh lãng phí đồ ăn mà vẫn sử dụng tốt cho sức khỏe, bạn cần lưu ý những vấn đề sau

Lên kế hoạch trước khi chế biến, cân nhắc lượng thức ăn cho bản thân và gia đình để hạn chế tối đa số thực phẩm thừa.

Bảo quản lạnh đúng cách, dưới 5 độ C với thực phẩm tươi sống, đợi thực phẩm đã chế biến nguội rồi mới cho vào tủ lạnh bảo quản để tránh lưu trữ nhiều hơi nước, gia tăng khả năng sinh sôi vi khuẩn và nấm mốc.

Khi bảo quản, không nên để màng bọc thực phẩm chạm trực tiếp vào thức ăn.

Cập nhật: 17/05/2021 Theo Trí Thức Trẻ/Tuổi Trẻ
  • 52
  • 9.541