Mảng kiến tạo Ấn Độ - Australia - Capricorn đang tách ra ở tốc độ khoảng 1,7 mm một năm.
Trong một triệu năm nữa, khoảng cách giữa hai nửa của mảng kiến tạo này sẽ xa hơn 1,7 km so với hiện nay, theo Aurélie Coudurier-Curveur, nghiên cứu sinh khoa học địa chất hải dương ở Viện Vật lý Trái Đất Paris. Coudurier-Curveur và cộng sự công bố kết quả nghiên cứu hôm 11/5 trên tạp chí Geophysical Research Letters.
Bồn địa Wharton là nơi xảy ra hai trận động đất năm 2012. (Ảnh: Live Science).
So với mảng kiến tạo này, đứt gãy Biển Chất ở Trung Đông dịch chuyển với tốc độ nhanh gấp đôi, khoảng 0,4cm một năm, trong khi đứt gãy San Andreas ở California di chuyển nhanh hơn gấp 10 lần, ở 1,8cm một năm. Mảng kiến tạo Ấn Độ - Australia - Capricorn tách ra chậm và sâu dưới nước đến mức các nhà nghiên cứu suýt bỏ qua ranh giới mảng kiến tạo nếu không có bằng chứng là hai trận động đất mạnh bắt nguồn từ một điểm kỳ lạ ở Ấn Độ Dương.
Hôm 11/4/2012, động đất mạnh 8,6 độ và 8,2 độ xảy ra ở Thái Bình Dương, gần Indonesia. Hai trận động đất không diễn ra dọc đới hút chìm, nơi một mảng kiến tạo trượt xuống dưới mảng khác. Thay vào đó, chúng bắt nguồn từ giữa mảng kiến tạo. Những trận động đất này hé lộ có sự biến dạng nào đó dưới lòng đất tại khu vực mang tên bồn địa Wharton.
Quá trình phân tách của mảng kiến tạo Ấn Độ - Australia - Capricorn xảy ra dưới nước ở tốc độ rất chậm nên khó phát hiện. (Ảnh: EOS).
Nhóm nghiên cứu xem xét một khu vực đứt gãy đặc biệt ở bồn địa Wharton, nơi bắt nguồn động đất. Hai bộ dữ liệu ở khu vực này do các nhà khoa học trên tàu nghiên cứu thu thập vào năm 2015 và 2016 cho biết địa hình của khu vực đứt gãy. Bằng cách ghi chép thời gian sóng âm truyền trở lại từ đáy biển và tầng đá gốc, tàu nghiên cứu có thể lập bản đồ địa hình bồn địa.
Khi Coudurier-Curveur và cộng sự xem xét hai bộ dữ liệu, họ nhận thấy bằng chứng về sự kéo giãn là những chỗ sụt lún hình thành ở vùng đứt gãy trượt ngang. Đứt gãy trượt ngang nổi tiếng nhất có thể là đứt gãy San Andreas. Loại đứt gãy này gây ra động đất khi hai mảng của vỏ Trái Đất trượt qua nhau theo phương ngang. Nhóm nghiên cứu tìm thấy 62 chỗ bồn địa dọc theo vùng đứt gãy đã lập bản đồ, trải dài gần 350 km. Một số bồn địa có kích thước khổng lồ, dài 8km và rộng 3km.
Ngoài ra, những chỗ sụt lún sâu hơn ở phía nam (120 m) và nông hơn ở phía bắc (5 m). Theo Coudurier-Curveur, điều này có nghĩa đứt gãy trượt ngang tập trung ở ranh giới phía nam, ít nhất trong thời điểm hiện nay. Các bồn địa bắt đầu hình thành khoảng 2,3 triệu năm trước, sau khi đứt gãy hình thành dọc tâm chấn năm 2012. Do những phần khác nhau của mảng Ấn Độ - Australia - Capricorn dịch chuyển ở tốc độ khác nhau, vùng đứt gãy này đang trở thành ranh giới mới để mảng kiến tạo tách đôi.