Mạng lưới xã hội – yếu tố khiến Tasmanian devil đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

  •  
  • 979


Nghiên cứu mới về mạng lưới xã hội của loài Tasmanian devil có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của một căn bệnh đang đe dọa làm cho loài này tuyệt chủng.
Kết quả nghiên cứu công bố trên tờ Ecology Letters cho thấy tồn tại một mạng lưới quan hệ phức tạp giữa các cá thể devil, lí giải vì sao dịch bệnh có thể lan truyền nhanh chóng ở loài thú túi vốn sống đơn lẻ này.

Tasmanian devil (“ác quỷ” đảo Tasmania) là loài thú túi ăn thịt to lớn nhất trên thế giới, nhưng chúng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì một loại ung thư lây nhiễm kỳ lạ với những khối u bướu trên vùng mặt (DFTD). Devil là loài thường sống đơn lẻ, giới nghiên cứu cho rằng bệnh lây lan qua các vết cắn khi chúng tranh ăn quanh một con mồi và qua quá trình giao phối.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Rodrigo Hamede đến từ đại học Tasmania, đã sử dụng các vòng sóng radio để phát hiện cấu trúc giao tiếp của loài Tasmanian devil, giúp hiểu được các tình huống tiếp xúc làm lây lan dịch bệnh giữa các cá thể trong loài.

“Theo dõi tiếp xúc giữa các cá thể ở một loài động vật hoang dã là việc rất khó khăn, đặc biệt là những loài sống trong rừng và hoạt động về đêm,” Hamede chia sẻ. "Tuy nhiên, đây lại là điều rất quan trọng để hiểu được tính xã hội, quá trình truyền bệnh trong một loài cũng như tìm ra các mô hình dịch tễ cần thiết.”

Các nghiên cứu trước đây về tiếp xúc quần thể ở loài Tasmanian devil gặp phải nhiều hạn chế do thiếu quan sát tại hiện trường, và do khó khăn trong việc tìm hiểu quá trình giao phối cụ thể của loài này vốn diễn ra dưới lòng đất.

Nhóm nghiên cứu đã gắn vòng tín hiệu radio vào những con devil trưởng thành tại công viên quốc gia Narawntapu, một khu vực rộng 25 km² có chứa đàn devil chưa hề nhiễm bệnh. Vòng tín hiệu được gắn vào tổng cộng 46 cá thể devil trưởng thành gồm 23 con đực và 23 con cái.

“Ác quỷ đảo Tasmania”. (Ảnh: Mike Lehmann, Wikimedia Commons)

Vòng tín hiệu này sẽ ghi lại khi nào, và trong bao lâu hai con devil đực, cái tiếp xúc gần với nhau. Các dữ liệu được tải về sẽ cho biết tần số tiếp xúc giữa các cá thể.

“Hiểu được mạng lưới tiếp xúc là điều quan trọng vì thường thì trong đàn chỉ có một số nhỏ các cá thể có tần suất tiếp xúc lớn và chính những cá thể ‘siêu tiếp xúc’ này là thủ phạm cho phần lớn sự lây lan của dịch bệnh,” Hamede nói. “Một khi những cá thể này được xác định, các biện pháp như điều trị trực tiếp hay cách li có thể giúp kiểm soát dịch bệnh.”

Dữ liệu thu được tiết lộ rằng mặc dù devil là loài sống đơn lẻ nhưng tất cả các cá thể đều được kết nối với một mạng lưới xã hội, hay nói cách khác tất cả những con devil được theo dõi đều kết nối với những con còn lại. Điều này giải thích vì sao bệnh DFTD có thể lây lan dễ dàng trong toàn bộ đàn devil.

Đúng như dự đoán, một vài cá thể đóng vai trò rất chủ động trong trong mạng lưới – chúng chính là những cá thể ‘siêu tiếp xúc’. Đồng thời, tiếp xúc giữa các con devil cái có vẻ thường xuyên hơn giữa các con đực, do những con đực thường cố tình tránh chạm mặt nhau.

Trong khi người ta cho rằng devil là loài giao cấu ngẫu nhiên, các dữ liệu lần này lại cho thấy có mối quan hệ ưu tiên giữa một số cặp devil đực – cái nhất định thể hiện qua việc một con đực bảo vệ lâu dài cho một con cái. Đây lại là nguy cơ nữa về lây truyền dịch bệnh qua việc tiếp xúc kéo dài.

“Giai đoạn truyền bệnh đầu tiên là tiếp xúc giữa cá thể nhiễm bệnh và cá thể có nguy cơ cao,” Hamede kết luận. “Các vòng tín hiệu radio cho phép chúng tôi đo được tần suất tiếp xúc ở giai đoạn này. Trên thực tế, tất cả các cá thể đều liên hệ với một mạng lưới duy nhất, điều này đồng nghĩa với việc bệnh dịch có thể lan truyền đến một cá thể bất kỳ trong đàn khi đã xuất hiện dù chỉ một cá thể nhiễm bệnh.”

G2V Star (Theo PhysOrg)
  • 979