Máu nhân tạo có thể trở thành hiện thực?

  •  
  • 798

Cùng tham gia vào cuộc chạy đua toàn cầu nhằm tìm kiếm một loại máu thay thế, các nhà khoa học Anh đã đề nghị xem xét để được cấp bằng sáng chế toàn cầu cho loại hemoglobin, thành phần quan trọng trong máu mà họ tạo ra. 

 

Một loại máu nhân tạo thực sự có thể thay thế cho máu có trở thành hiện thực? - Ảnh: beacononline


Tác phẩm bộ ba Chạng vạng có nói đến những con ma cà rồng “ăn chay”, sống bằng máu động vật. Và trên loạt phim truyền hình True Blood, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển một loại máu thay thế tổng hợp. Tuy nhiên, trong phim bom tấn gần đây nhất Daybreakers, ma cà rồng đã phải chịu một số phận khủng khiếp khi cố gắng uống một chất thay thế máu.

Trở lại thế giới thực, việc săn tìm một chất thay thế máu có thể không đáng tin cậy. Thực tế, cuộc tìm kiếm để tạo ra một loại máu nhân tạo là một vấn đề thương mại lớn. Hơn một tỉ bảng Anh đã được sử dụng cho mục đích này trong suốt 20 năm qua trong nỗ lực nhằm tạo ra một chất có thể thực sự thay thế cho máu.

Tham gia vào công cuộc tìm kiếm toàn cầu này là các nhà khoa học ĐH Essex, Anh. Họ đã trình xem xét để được cấp bằng công nhận sáng chế toàn cầu cho hemoglobin của họ.

Hơn 75 triệu đơn vị máu hiến được sử dụng trong các bệnh viện cho việc chữa trị bệnh tật cho con người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu tiếp máu cho những ca phẫu thuật hằng ngày ngày càng tăng lên.

Một loại máu thay thế thực sự sẽ là vô cùng hữu ích nếu nó có thể được bảo quản lâu dài, được lưu trữ bên ngoài các bệnh viện, không cần xét đến yếu tố hòa hợp nhóm máu và đảm bảo không có sự lây nhiễm của bất kỳ loại virus nào.

Vật liệu ban đầu cho loại máu thay thế này bao gồm những chất hóa học được sử dụng để tạo ra bom nguyên tử, máu bò và máu được nuôi dưỡng trong vi khuẩn.

Tuy nhiên, cho đến hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới đều thất bại trong việc chế tạo ra một loại máu thay thế an toàn.

 

GS Chris Cooper đang chỉ ra sự thay đổi trong màu máu - Ảnh: ScienceDaily

Theo Giáo sư Chris Cooper, một nhà sinh học và là chuyên gia về chất thay thế máu tại ĐH Essex, lý do cho sự thất bại này nằm ở hemoglobin, những huyết sắc tố trong tế bào máu chuyên vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi ra khỏi môi trường bảo vệ của những tế bào hồng cầu, hemoglobin có thể bị nhiễm độc.

Bình thường, hemoglobin thay đổi màu từ đỏ sang màu rượu vang đỏ khi nó chuyển oxy đi khắp cơ thể. Tuy nhiên, khi nó bị phá hủy, những ion sắt có trong hemoglobin sẽ bị oxy hóa, sản sinh ra những sản phẩm màu xanh và nâu bất thường.

“Về cơ bản, hemoglobin sản sinh ra gốc tự do có thể gây hại cho tim và thận”, GS Cooper giải thích.

“Thách thức đối với máu nhân tạo là nó phải thay đổi những phân tử hemoglobin để chúng trở nên ít độc hại hơn, nhưng vẫn phải duy trì vai trò sống còn của chúng trong việc vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Nhưng chưa ai có thể xử lý vấn đề này”.

Điều khiến nhóm nghiên cứu của GS Cooper trở nên đặc biệt đó là vì hemoglobin do họ tạo ra ít độc hại hơn.

Trong Daybreakers, cuộc chạy đua thời gian nhằm sản xuất ra một loại máu nhân tạo thay thế có thể bảo vệ loài người và ma cà rồng khỏi thảm họa tuyệt chủng.

Trong thế giới của khoa học, yêu cầu chế tạo ra một loại máu nhân tạo thay thế không quá cấp bách nhưng một cuộc chạy đua là điều tốt và thực sự đang diễn ra.

Theo VietNamNet (ScienceDaily)
  • 798