Máy ảnh kỳ cục không cho bạn chụp "đụng hàng" với bất kỳ ai

  •  
  • 1.614

Sự mệt mỏi đeo bám ta hàng ngày, từ lúc mở mắt dậy cho tới lúc nhắm mắt ngủ. Vì thế vào khoảng thời gian giữa hai sự kiện mở - nhắm mắt ấy, chắc chắn bạn không muốn ngồi lướt Facebook/Instagram để mà xem 10 tấm ảnh chụp một địa điểm nổi tiếng, một hiện tượng sự kiện gì đó - đều y như nhau.

Vậy làm thế nào để những tấm ảnh "na ná nhau" bớt xuất hiện? Hãy nhờ cậy đến chiếc máy ảnh của anh chàng Philipp Schmitt này.

Camera Restricta.
Camera Restricta.

Để đảm bảo cho một xã hội không có ảnh đụng hàng, nhà thiết kế người Đức này đã phát triển nên một cái máy ảnh chỉ cho phép người dùng chụp những tấm ảnh nguyên bản mà thôi. Bạn muốn chụp tháp Eiffel? Chúc bạn may mắn, vì điều đó sẽ không xảy ra đâu, vì chiếc máy này cấm bạn chụp luôn.

Thiết bị này của Schmitt – vẫn còn là một thiết bị mẫu vào thời điểm bài viết gốc được viết, nó vẫn chưa chụp được ảnh – chứa một cái smartphone sử dụng dữ liệu GPS từ Flickr và Panoramio để xác định xem địa điểm X nào đó có nổi tiếng hay không. Nếu như nó tìm thấy hơn 35 tấm ảnh về địa điểm bạn đang đứng, trong phạm vi 35 mét xung quanh bạn, nó sẽ tự khóa ống kính lại không cho bạn chụp ảnh nữa.

Màn hình thiết bị sẽ hiện lên thông số cho biết đã có bao nhiêu tấm ảnh được chụp tại đó rồi. Đó là lý do tại sao bạn không thể dùng cái máy ảnh quái dị này để chụp tháp Eiffel.


Video giới thiệu Camera Restricta.

“Rất nhiều người bộc lộ rằng họ cảm thấy bị xúc phạm bởi ý tưởng này của tôi”, anh Schmitt nói. Đúng là cũng có một số lỗi cần khắc phục thật, và nhà thiết kế này cũng sẵn sàng sửa chữa lỗi lầm của mình. Ví dụ như chiếc máy không biết là bạn đang không muốn chụp cái tháp Eiffel, bạn đang đứng từ khu vực tháp và muốn chụp một cái thùng rác nằm ở góc khuất nào đó thì sao?

Giờ mà Camera Restrica – tên thiết bị kì dị trên – được cài thêm khả năng nhận dạng hình ảnh, có lẽ là óc sáng tạo của ta sẽ được mở rộng ra chút đỉnh đấy: sẽ không còn tấm ảnh nào “đụng hàng” nhau nữa cả.

Cập nhật: 21/08/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 1.614