Máy hốt lúa của anh thợ cơ khí "nhà quê"

  •  
  • 323

Cứ gần 1 phút, chiếc máy hốt lúa của anh thợ cơ khí Nguyễn Ngọc Trí hốt được 1 bao lúa 70kg, quét sạch lúa trên đường máy đi qua.

Hai ngày qua, mạng xã hội ở Phú Yên "sốt xình xịch" với việc anh thợ cơ khí Nguyễn Ngọc Trí (tên ở nhà là Tí, 36 tuổi, ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) cho hoạt động thử nghiệm thành công chiếc máy hốt lúa do anh tự mày mò chế tạo.

Anh thợ cơ khí Nguyễn Ngọc Trí đang vận hành thử nghiệm chiếc máy hốt lúa
Anh thợ cơ khí Nguyễn Ngọc Trí đang vận hành thử nghiệm chiếc máy hốt lúa do anh chế tạo vào chiều 20-4 - (Ảnh: DUY THANH).

Phục tài anh thợ cơ khí nhà quê

Chiều 20-4, Trí đẩy chiếc máy từ trong xưởng cơ khí của gia đình ra đường bê tông trước nhà, nơi má anh đang phơi lúa của đám ruộng vừa gặt ban sáng.

Trí giật dây cho máy nổ, rồi vào số, chiếc máy tự lăn chầm chậm trên đám lúa đang phơi. Trục xoắn bằng kim loại phía trước cuộn lúa đẩy vào miệng chiếc ống có tiết diện 14cm. Lúa được hút lên, phân ra hai cái phễu bên trên, chảy vào các bao đựng đã được ghim chặt vào các thanh kim loại…

Nơi chiếc máy đi qua không còn hạt lúa nào vì hệ thống chổi nhựa lắp phía sau trục xoắn đã quét sạch.

Anh Nguyễn Ngọc Trí
Anh Nguyễn Ngọc Trí siết lại các con ốc trước khi đưa chiếc máy hốt lúa từ xưởng cơ khí ra đường lộ vận hành - Ảnh: DUY THANH

Chiếc máy đã thay thế các công lao động như cào dồn thành đống, quét, hốt, vào bao. Máy vận hành chỉ cần 2 người: một lo việc gắn bao vào máy, rinh bao lúa đầy trên máy bỏ xuống đất và một lo khâu miệng bao lúa đã đổ đầy.

Cứ gần 1 phút, chiếc máy của anh Trí hốt được 1 bao lúa khoảng 70kg. Anh nói nếu có 2 người cùng tham gia thay bao rỗng, đưa bao lúa đầy khỏi máy thì chỉ cần tăng ga là tốc độ hốt lúa của máy nhanh hơn.

Đây là buổi chiều thứ hai Trí đem chiếc máy hốt lúa ra thử nghiệm. Nhiều người tò mò đứng xem, trầm trồ khen ngợi.

"Anh thợ cơ khí này giỏi quá. Cái máy hay thật, không chỉ hốt lúa nhanh mà còn quét sạch sẽ. Nếu có thì tui sẽ thuê về hốt lúa cho đỡ công, đỡ mệt" - ông Trần Hữu Bảo, một nông dân địa phương, nói.

Mong nông dân đỡ vất vả

Tự nhận xét về sản phẩm của mình, Trí nói còn một số khiếm khuyết như hình thức còn thô, hơi lớn (dài 1,5m, rộng 1,2m, cao 1,7m), vẫn còn một đường lúa nhỏ máy chưa thể hút hết…

Người thợ cơ khí trẻ này cho biết gia đình anh làm 3 mẫu ruộng, đến mùa gặt lượng lúa phơi phóng rất nhiều, trong khi gia đình neo người nên khá vất vả. Nhiều gia đình nông dân ở địa phương này cũng vất vả,  thôi thúc anh nghiên cứu sáng chế ra chiếc máy hốt lúa này.

Tốt nghiệp trung cấp nghề cơ khí ở Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa vào năm 2008, Trí trở về quê nhà, mở xưởng cơ khí, chuyên sửa chữa máy cày, gia công máy nông nghiệp, làm nông cụ…

Có kiến thức và kinh nghiệm, nhưng khi bắt tay vào làm máy hốt lúa, Trí cũng thất bại không ít. Ban đầu, anh sử dụng máy xe Honda để làm nhưng máy yếu quá, không thể vừa kéo các dàn hút và quét lúa, vừa giúp máy hốt lúa di chuyển được.

Lúa được hốt, quét sạch sẽ nơi chiếc máy đi qua
Lúa được hốt, quét sạch sẽ nơi chiếc máy đi qua - (Ảnh: DUY THANH).

"Tôi phải thay bằng chiếc máy xăng 6,5CV này mới ổn. Ngoài ra, quá trình làm còn nhiều thất bại khác, phải khắc phục nhiều lần. Mất khoảng 1 năm mới làm được chiếc máy hút lúa đem ra thử nghiệm hiện nay" - anh thợ cơ khí thổ lộ.

Theo Trí, hiện anh chỉ mới chế tạo và thử nghiệm chiếc máy hốt lúa này chứ chưa tính toán được tổng chi phí là bao nhiêu, mỗi giờ hoạt động máy tiêu tốn bao nhiêu xăng…

"Cái máy chạy tốt, đúng như mình mong muốn khi chế tạo là mừng, chứ chi phí giờ tôi chưa tính được đâu" - Trí cười.

Cập nhật: 21/04/2023 Tuổi Trẻ
  • 323