Máy tính cổ nhất thế giới thời La Mã

  •  
  • 1.202

Có kích cỡ của một hộp giày, một thiết bị bằng đồng bí ẩn được lấy ra từ một con tàu đắm thời La Mã vào đầu thế kỷ 20 đã làm đau đầu các nhà khoa học trong nhiều năm nay. 

Nay các chuyên gia đã kinh ngạc nhận ra rằng nó là một máy tính thiên văn cổ nhất thế giới còn tồn tại.

Một nhóm các nhà khoa học Hy Lạp và Anh đã tìm hiểu bí mật của cỗ máy Antikythera và giải mã được những chữ khắc Hy Lạp cổ từ 2.000 năm trước.

Một mảnh của máy tính cổ đại. (Nguồn: astro.rug)


"Nay chúng tôi đã giải mã được 95% chữ viết, bao gồm hơn 1.000 ký tự", nhà vật lý Yiannis Bitsakis, thành viên nhóm khảo cổ cho biết.

Được trục vớt lên vào năm 1900 từ một con tàu đắm La Mã vào năm 80 trước Công nguyên, gần hòn đảo Antikythera phía Nam Hy Lạp và được giữ tại Bảo tàng khảo cổ quốc gia Athens, cỗ máy gồm hơn 30 bánh xe và mặt đồng hồ bằng đồng, được bao phủ bởi các ký hiệu thiên văn học.

"Thiết bị có thể được dùng để tính toán vị trí các ngôi sao, ít nhất là mặt trời và mặt trăng, và dự đoán các hiện tượng thiên văn", nhà vật lý học Xenophon Moussas tại Đại học Athens nhận định. "Thiết bị rất hiếm, nếu không muốn nói là độc nhất vô nhị".

Có giả thuyết cho rằng thiết bị được chế tạo tại một trường học do nhà triết học cổ đại Poseidonios thành lập, trên hòn đảo Rhodes của Hy Lạp.

"Giống Alexandria, Rhodes là một trung tâm thiên văn vào thời đó. Con thuyền chứa thiết bị có thể nằm trong đoàn hộ tống của Julius Caesar tới Rome mang theo của cải lấy từ hòn đảo".

Theo VnExpress
  • 1.202