Máy tính học cách nhìn như người

  •  
  • 1.896

Thị giác hoạt động kết hợp với não bộ giúp con người nhận biết được các vật thể, phân biệt người, cảnh khác nhau, thậm chí hình dung ra những thứ không tồn tại. Công ty Vicarious cho rằng có thể mô phỏng não để tạo phần mềm có những khả năng đó.

Vicarious hy vọng kết hợp hoạt động của não người với máy tính để tạo một hệ thống quan sát hình ảnh, lặp lại hoạt động quan sát của vỏ não người. Ý tưởng "mạng nơ-ron máy tính" - chương trình có khả năng mô phỏng hoạt động của não tạo nên liên kết giữa các nơ-ron nhân tạo - đã được nói đến cả chục năm nay. Nhưng các chuyên gia của Vicarious tuyên bố rằng chính họ là người đưa ý tưởng này vào cuộc sống nhờ những bước tiến mới dựa trên các phương pháp được phát triển vào giai đoạn hiện nay, Technology Review cho biết.

Nhà sáng lập dự án Dileep George, người trước đây từng là giám đốc công nghệ cho công ty Numenta cho biết, tất cả các nhà phát triển "liên kết nơ-ron" còn lại đều dựa trên mô hình "neocognitron" đã được đưa ra lần đầu vào năm 1980. Thường thì các hệ thống này được dạy cách nhận biết các hình ảnh trực quan bằng cách sử dụng các bức ảnh tĩnh ngẫu nhiên. Theo George, Vicarious sử dụng kiến trúc phức tạp hơn - việc huấn luyện máy tính được thực hiện nhờ các dòng video thay đổi theo thời gian.

Máy tính học cách nhìn như người

Vicarious hy vọng phát triển và tung hệ thống này ra bán trong vòng vài năm tới. Đồng sáng lập Scot Fenix tin tưởng rằng hệ thống có thể có rất nhiều ứng dụng. Ví dụ, trong y tế: Máy tính được trang bị công nghệ mới có thể phân tích các bức ảnh chẩn đoán để xác định bệnh nhân có bị ung thư hay không. Ví dụ khác, smartphone được cài đặt chương trình này có thể xác định đĩa thức ăn trong tấm ảnh chứa đựng bao nhiêu ca-lo. "Hệ thống máy tính cảm nhận thị giác sẽ nhận biết hầu hết loại hình hoạt động của con người", ông nói thêm.

Fenix lưu ý rằng chương trình Vicarious có khả năng tự học nhờ xem các hình ảnh đối tượng và hình thành các tiêu chí xác định vật thể chung. Điều đó có nghĩa là hệ thống này đủ thông minh để nhận biết đối tượng mà thông tin về nó không đầy đủ. Ví dụ, nó có thể nhận biết một bàn tay ngay cả khi bàn tay đó bị các vết sơn che đi hoặc bị che khuất một phần do đồng hồ đeo tay.

Vicarious giữ bí mật chi tiết về công nghệ này nhưng công trình của họ vẫn khiến cho các nhà đầu tư thích thú. Trong tháng rồi, công ty đã nhận được 15 triệu USD đầu tư mạo hiểm từ quỹ có sự tham gia của đồng sáng lập Facebook Dustin Moskowitz.

Theo Phó giáo sư Andrew Ng, người đứng đầu Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo Đại học Stanford, vấn đề chính của Vicarious có thể là không đủ công suất tính toán cần thiết để mô phỏng chính xác các quá trình nhận thức. ông Andrew Ng từng tham gia vào một dự án của Google, trong đó phần mềm xem xét hàng triệu ảnh chụp màn hình ngẫu nhiên các video từ YouTube nhằm phát hiện xem ở khung hình nào có mèo. Để đảm bảo cho chương trình hoạt động, người ta đã sử dụng 16.000 máy tính tạo thành một hệ thống mạng lưới thần kinh nhân tạo.

Theo PC World
  • 1.896