MI-28N, 'Thợ săn đêm' của không quân Nga

  •  
  • 8.474

MI-28N, mẫu trực thăng tiên tiến nhất của không quân Nga, được trang bị những trang thiết bị vũ khí hiện đại nhất để có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết.

Trực thăng tiến công Mi-28 do Nhà máy sản xuất trực thăng mang tên M.L. Mil tại Moskva phát triển trên cơ sở trực thăng vận tải-tiến công nổi tiếng thế giới Mi-24 “Cá sấu” (Mỹ và NATO gọi là Hind) và dùng để thay thế Mi-24, làm nhiệm vụ chống tăng-thiết giáp và chi viện hoả lực cho lục quân. Mi-28 được NATO đặt biệt danh là Havoc "Kẻ tàn phá".

Năm 1996, trên cơ sở Mi-28, Nhà máy Mil bắt đầu nghiên cứu và chế tạo biến thể có khả năng tác chiến ngày và đêm Mi-28N có biệt danh “Nochnoi Okhotnik”, tức “Thợ săn đêm” (NATO gọi là Night Havoc - Kẻ tàn phá ban đêm). Mi-28N là loại trực thăng có giá thành rẻ hơn các trực thăng cùng loại của nước ngoài và có chi phí khai thác thấp.

Trực thăng tiến công Mi-28N có thể thực hiện các nhiệm vụ: tìm diệt xe tăng-thiết giáp, sinh lực của đối phương; tiêu diệt các mục tiêu kiên cố và mục tiêu diện; rải mìn; tìm diệt tàu xuồng; tác chiến với máy bay bay nhanh và bay ở độ cao nhỏ của đối phương; tiêu diệt mục tiêu bay chậm cả ban ngày và ban đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.

Chiếc MI-28N đầu tiên được xuất xưởng vào năm 2004 và được không quân Nga thử nghiệm kể từ tháng 6/2005. Ngay sau những thử nghiệm đầu tiên, Không quân Nga đã lập kế hoạch trang bị khoảng 60 chiếc MI-28N và kể từ đó phiên bản này được đặt biệt danh là Night Hunter, "Thợ săn đêm".

Tháng 5/2006, lô MI-28N đầu tiên được bàn giao cho Không quân Nga và tháng 9/2006, lực lượng này chính thức thử nghiệm trước khi bàn giao cho các đơn vị chiến đấu. 

MI-28N sẽ được trang bị cho đại đội trực thăng 487 trong năm 2009.


Đầu tháng 4/2009, theo tạp chí Kommersant, một phi đội bao gồm sáu chiếc MI-28N, sau khi hoàn thành các thử nghiệm cuối cùng vào cuối năm 2008 sẽ được biên chế vào đại đội trực thăng số 487, đóng quân tại Budyonnovsk thuộc vùng Stavropol, vùng Bắc Caucasus. Các phi công thuộc đại đội 487 đã được đào tạo lý thuyết và thực hành để sẵn sàng tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các tính năng của loại máy bay trực thăng chiến đấu hiện đại này.

Thiết kế "lì đòn" với đạn pháo

MI-28N được thiết kế theo mô hình trực thăng truyền thống với một cánh quạt nằm tại đuôi máy bay. Cánh quạt của MI-28N được sản xuất từ vật liệu composite, có thể chống được các loại đạn pháo 30 mm. Do giảm bánh răng của hộp số nên lực truyền động cho cánh quạt tăng lên.

Hình dạng cánh quạt được cải tiến, trang bị hệ thống kiểm soát động cơ điện tử. Đặc biệt MI-28N được trang bị hệ thống điện tử hàng không tổng hợp, cho phép tiến công ngày và đêm, trong mọi thời tiết kể cả bão cấp 7 và 8, ở độ cao thấp khác nhau.

Nhờ sử dụng hệ thống tránh chướng ngại vật tự động, kết cấu hình cánh quạt giảm tín hiệu radar nên MI-28N có thể bay cao dưới 20 mét mà vẫn không bị hệ thống phòng không (radar) phát hiện.

Buồng lái MI-28N được bọc thép, kính chắn gió đặc biệt, cho phép chống lại những loại đạn cỡ 7,62 mm, 12,7 mm hoặc các mảnh đạn pháo 20 mm. Hệ thống bảo vệ trong buồng lái cho phép các phi hành đoàn có thể sống sót khi gặp trục trặc trong quá trình hạ cánh hoặc bị đối phương bắn hạ ở tầm thấp. 

MI-28N được thiết kế nhằm chống lại các loại xe tăng, bọc thép của đối phương.


Được phát triển dựa trên những tích lũy thực tế từ các cuộc xung đột vũ trang trong thời gian gần đây, MI-28N đang được nhiều chuyên gia chuyên gia quân sự đánh giá cao trong việc tiêu diệt các xe tăng, xe bọc thép và binh sĩ của đối phương, cũng như bảo vệ các mục tiêu trên không cũng như trên bộ. Ngoài ra, được cấu tạo với kết cấu mô-đun, Mi-28H có thể dễ dàng sửa chữa, kể cả trong điều kiện khốc liệt và thiếu thốn ở chiến trường.

Hệ thống hỏa lực vượt trội

MI-28N có thể mang theo nhiều loại vũ khí, rocket, tên lửa có điều khiển, trong đó có thể kể đến như: pháo bắn nhanh 30 mm, tên lửa chống tăng Shturm, Akata hay tên lửa không đối không Igla-V. 

MI-28N mang 8 tên lửa mỗi bên sườn cùng một ống phóng đạn rocket.


Vũ khí chủ yếu của MI-28N là 16 tên lửa siêu âm 9M120 Ataka-V dẫn bằng lệnh vô tuyến, có khả năng chống nhiễu cao, với tầm bắn lên tới 8 km. Tên lửa có thể phá hủy các loại vỏ giáp xe tăng, xe bọc thép, kể cả vỏ giáp phản ứng nổ với độ dày bọc thép lên tới 1.000 mm.

Mi-28N có thể mang 80 rocket S-8 80 mm, hoặc 20 rocket S-13 122 mm, hoặc 2 rocket S-24B 240 mm, 8 tên lửa không-đối-không tự dẫn hồng ngoại Igla. Ụ pháo cơ động NPPU-28N lắp 1 pháo tự động 2A42 30 mm (cơ số 250 viên) được gắn dưới mũi máy bay.

Ngoài ra, Mi-28N còn được trang bị 2 thùng treo UPK-23-250 lắp pháo GSh-23L 23 mm (cơ số 250 viên), 2-4 thùng KMGU-2 chứa mìn và bom con, bom cháy ZB-500, bom 250 và 500 kg, hệ thống phòng thủ thụ động chống tên lửa…

Hệ thống điều khiển bắn và giám sát thông minh

Phi công lái MI-28N được trang bị mũ có gắn hệ thống chỉ thị mục tiêu, cho phép kết nối trực tiếp đến hệ thống kiểm soát bay và hệ thống điều khiển bắn. Nhờ đó, phi công và sỹ quan vũ khí có thể quyết định sử dụng vũ khí có điều khiển hoặc dùng vũ khí thông thường để tiêu diệt mục tiêu. Điều đặc biệt, hệ thống chỉ thỉ mục tiêu của máy bay tự động bám theo hướng mắt của phi công. 

MI-28N được trang bị nhiều thiết bị quang điện tử hiện đại, cho phép tác chiến ngày đêm.


Hệ thống điều khiển bắn và giám sát được trang bị hai hệ thống quan sát quang điện tử có thị trường rộng và hẹp, một hệ thống quan sát quang điện tử thị trường hẹp và một thiết bị chỉ thị mục tiêu bằng laser. Toàn bộ hệ thống có thể hoạt động với góc mở 110 độ và có thể nâng lên hạ xuống từ +13 độ đến -40 độ. Do được trang bị hệ thống quan sát hiện đại, MI-28N có thể hoạt động bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

Động cơ mạnh mẽ

MI-28N được trang bị hai động cơ TV3-117VMA có công suất 2.500 sức ngựa, giúp máy bay có thể bay lùi, bay ngang, thực hiện góc lượn 45 độ trong vòng một giây, đạt trọng lượng cất cánh tối đa 11.500 kg với khả năng mang tải đến 2.350 kg vũ khí các loại. Loại động cơ này cho phép MI-28N có thể đạt tới vận tốc 300 km mỗi giờ và tầm hoạt động lên tới 1.100 km.

Theo Báo Đất Việt
  • 8.474