Microsoft "âm mưu" gì với vụ kiện ngược "nguồn mở"?
Sau vụ bắt tay gây nhiêu tranh cãi với Novell hồi năm ngoái, Microsoft lại vừa mở màn một chiến dịch công kích mới nhằm vào cộng đồng nguồn mở. Vấn đề là tại sao hãng lại chọn thời điểm này để ra đòn?
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Fortune hồi tuần trước, luật sư hàng đầu của Microsoft là Brad Smith tuyên bố phần mềm miễn phí và nguồn mở đã vi phạm tổng cộng... 235 bằng sáng chế mà Microsoft đang nắm giữ.
Cụ thể, lõi kernel của Linux vi phạm 42 bằng, giao diện người dùng và thiết kế vi phạm 65 bằng, OpenOffice.org "dẫm lên" 45 bằng sáng chế....
Một mũi tên trúng nhiều đích
Microsoft có rất nhiều động cơ để xúc tiến một vụ kiện bản quyền mới: Hãm lại bước tiến của các đối thủ nguồn mở, dấy lên nỗi lo sợ và e ngại về nguy cơ kiện tụng trong lòng khách hàng (những người đang có ý định, hoặc đã dùng nguồn mở), và nhất là kiếm được khoản tiền bồi thường kha khá.
Tuy nhiên, theo lời ông Horacio Gutierrez, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề sở hữu trí tuệ và cấp phép tại Microsoft, thì bước đi của hãng là nhằm "đưa các bên trở lại bàn đàm phán".
|
Các luật sư của Microsoft đã quá thông thạo chuyện tranh chấp bản quyền trước tòa. Nguồn: BBC |
"Không có cớ gì mà cộng đồng nguồn mở lại đứng ngoài phạm vi áp dụng của luật sở hữu trí tuệ cả", Gutierrez tuyên bố, không quên gọi hành động xâm phạm bản quyền của phần mềm miễn phí là "không tình cờ chút nào".
Microsoft là một tên tuổi đã nhẵn mặt ở chốn pháp đình với các vụ kiện bản quyền. Lúc thì hãng đi kiện, lúc thì hãng bị kiện, thôi thì vì đủ lý do, từ thương hiệu, từ bản quyền cho đến bằng sáng chế. Nhưng cũng chính vì vậy, đội ngũ luật sư của Microsoft cực kỳ thông thạo những tình huống tranh chấp kiểu này.
Kẻ mạnh làm vua
"Microsoft mạnh, có nguồn lực dồi dào, luật sư thì chuyên nghiệp. Đây là cuộc chơi mà kẻ nào mạnh hơn, kẻ đó sẽ chiếm ưu thế", luật sư Tom Carey của hãng luật Bromberg & Sunstein nhận định.
Lấy thí dụ, tháng 11 năm ngoái, Microsoft đã ký thỏa thuận chiến lược với Novell, theo đó, hãng cam kết khách hàng dùng Suse Linux Enterprise Server của Novell sẽ không bị Microsoft lôi ra tòa kiện vì tội vi phạm bằng sáng chế.
Thỏa thuận này ngay lập tức gây ra phản ứng dữ dội từ các hãng phân phối Linux khác. Họ cáo buộc thế thì chẳng khác gì ép người dùng phải rời bỏ các phiên bản Linux khác để quay sang với Novell nếu không muốn bị kiện. (Tuy Linux là hệ điều hành miễn phí, song các nhà phân phối kiếm tiền bằng cách cung cấp dịch vụ bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật cho người dùng).
Có thể Red Hat, nhà phân phối phần mềm Linux số một hiện nay, không vì nguy cơ tranh chấp bản quyền mà chịu "xì tiền" dàn xếp với Microsoft. Song lời đe dọa của Microsoft vẫn có sức ép gián tiếp lên đầu những hãng như Red Hat, bởi các khách hàng lớn cỡ IBM không thích mua thêm rắc rối vào người. Mà đây mới chính là điểm Microsoft hy vọng nhất.
"Tôi không nghĩ khách hàng muốn tiếp tục gắn bó nếu chưa nhìn thấy giải pháp nào khả thi", ông Gutierrez tỏ vẻ đắc ý, nhất là khi những đại gia như AIG, Credit Suisse, HSBC, Nationwide và Wal-mart đều đã mua phần mềm Linux Suse của Novell.
Nhưng phần mềm nguồn mở có vi phạm thật không?
Kế hoạch của Microsoft chỉ có một điểm yếu duy nhất: cho tới nay, hãng chỉ khiến cho lực lượng nguồn mở nổi điên mà thôi. Chưa nhà phân phối nào có ý định xuống thang, thỏa hiệp với Microsoft, và không phải người dùng nào cũng tin là cộng đồng nguồn mở đã vi phạm bằng sáng chế công nghệ của Microsoft.
"Tôi không nghĩ là nguồn mở bất chấp quy định về sở hữu trí tuệ hiện nay. Các thành viên của cộng đồng nguồn mở đăng ký bản quyền cho mọi thành quả của họ. Nhiều hãng nguồn mở cũng có bằng sáng chế riêng", luật sư Mark radcliffe bình luận.
|
Nguồn: CNET |
"Tôi sẵn sàng đánh cuộc rằng căn cứ trên số vụ tranh chấp bản quyền mà Microsoft từng thua trước tòa, chính bản thân Microsoft mới là kẻ cố tình vi phạm sở hữu trí tuệ của người khác".
Mặc dù vậy, thực tế là bằng sáng chế và phần mềm nguồn mở mâu thuẫn với nhau về bản chất. Bằng sáng chế mang lại quyền lợi độc quyền cho người sở hữu công nghệ, trong khi phần mềm nguồn mở lại được xây dựng trên triết lý về "chia sẻ tự do".
Microsoft không tiết lộ rõ bước cờ tiếp theo là gì, nhưng Guttierez đã nói là hãng "không thích kiện tụng cho lắm". "Nếu muốn lôi nhau ra tòa thì chúng tôi đã làm thế từ lâu rồi. Pháp đình không phải là chốn hiệu quả để tìm ra giải pháp".
Một số chuyên gia thì nói rằng: Nếu Microsoft tin là cộng đồng nguồn mở đã vi phạm công nghệ của họ, hãy đưa ra chứng cứ và dưới ánh sáng ban ngày, tất cả mọi người sẽ làm trọng tài. "Còn nếu không phải, hãy dừng ngay trò bắt nạt khách hàng thấp cổ bé họng đó lại".
Thế nhưng dưới mắt nhà phân tích Jonathan Eunice, thì ngay cả khi Microsoft chẳng buộc được đối thủ nguồn mở nào ký thỏa thuận với mình, hãm phanh được bước tiến của họ cũng đã là một chiến thắng rồi. Nhất là khi các nhà phân phối Linux đang tìm cách liên minh với nhau để xác lập vị thế "nặng cân" hơn (Sony, Red Hat, IBM, Novell và Philips thành lập ra Mạng Phát minh mở vào năm 2005).
Trọng CầmTheo CNET, AP, VietNamNet