Miệng hố rộng 70m xuất hiện sau vụ nổ thắp sáng bầu trời

  •  
  • 2.275

Cư dân trên bán đảo Taimyr, Siberia trông thấy bầu trời rực sáng sau tiếng nổ vang xa gần 100km, kéo theo sự ra đời của miệng hố bí ẩn ngày càng mở rộng.

Theo Mirror, miệng hố được phát hiện lần đầu tiên bởi những người chăn tuần lộc suýt rơi xuống hố sau vụ nổ xảy ra vào năm 2013. Tại thời điểm đó, đường kính miệng hố chỉ khoảng 4m với độ sâu ước tính là 99m. Hiện hố Deryabinsky đang mở rộng dần thành một chiếc hồ nhỏ với bề rộng 70m. Tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở thành hố đang tan chảy dưới ánh mặt trời mùa hè.

Lúc mới ra đời, đường kính của miệng hố chỉ khoảng 4m.
Lúc mới ra đời, đường kính của miệng hố chỉ khoảng 4m. (Ảnh: Will Stewart).

Tiến sĩ Vladimir Epifanov ở thành phố Novosibirsk, Nga, thu thập chi tiết về vụ nổ lớn và tới kiểm tra Deryabinsky, miệng hố nằm ở nơi xa nhất trong hàng chục hố mới xuất hiện ở phía bắc Siberia. Những người dân làng sống cách hố 72 - 97km vẫn nghe thấy tiếng của vụ nổ và trông thấy quầng sáng rực trên bầu trời, Epifanov cho biết. "Vụ nổ không giống tác phẩm của con người, nhưng cũng không có vẻ như hình thành tự nhiên", một nhân chứng chia sẻ.

Vụ nổ diễn ra một tháng sau khi một thiên thạch lớn phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk, khiến lãnh đạo địa phương lầm tưởng đó là thiên thể khác rơi xuống khu vực. Phần lớn các chuyên gia tin rằng những miệng hố hình thành do vụ nổ khí methane bị kích hoạt bởi nhiệt độ ấm lên ở cực bắc nước Nga. Đặc biệt, nhiều miệng hố trên bán đảo Yamal ra đời do pingo, các ụ đất hình vòm với lõi băng bên trong, sụp đổ dưới áp suất của khí methane giải phóng từ lớp đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy vì biến đổi khí hậu.

Trong trường hợp của hố Deryabinsky, tiến sĩ Epifanov đưa ra cách giải thích khác. Theo ông, băng cháy cách mặt đất hơn 500 m tan rã, giải phóng khí methane. Khí methane tích tụ ở độ sâu 99 m trước khi phát nổ. Hiện nay, Nga đang giám sát các ụ pingo qua vệ tinh để đề phòng những vụ nổ mới ở Siberia.

Cập nhật: 08/06/2016 Theo VnExpress
  • 2.275