Miệng hố khổng lồ ở vùng Siberia của Nga, được phát hiện năm ngoái và chưa rõ nguyên nhân hình thành, sâu đến 60 m và có thể chứa được một tòa nhà 25 tầng.
Phóng viên Vitaly Buzuev của RT có cơ hội quan sát miệng hố ở bán đảo Yamal và gọi đây là một trải nghiệm đáng nhớ trong đời.
Miệng hố khổng lồ ở Siberia. (Ảnh: RT)
"Tôi thật sự bất ngờ khi lần đầu tiên nhìn thấy chúng. Đây là hố lớn nhất ở Yamal và bạn có thể đưa cả tòa nhà 25 tầng vào bên trong," ông nói.
Theo Buzuev, người dân địa phương coi đây là đường nối với thế giới khác thay vì quan tâm quá nhiều đến các lý giải khoa học về nguồn gốc.
"Tất cả những người sống tại đây hay dân du mục đều cần nghe thấy âm thanh của Trái Đất. Họ tin rằng điều bất thường đã xảy ra mà không thể lý giải," Buzuev nói.
Trong khi đó, các nhà khoa học nhận định miệng hố có thể hình thành trên khu vực địa chất giàu khí đốt tự nhiên. Quá trình ấm lên toàn cầu khiến băng tan chảy, giải phóng khí khiến "hỗn hợp" nước, muối và khí phát nổ dưới lòng đất.
"Tôi cho rằng khí đốt tự nhiên là nguyên nhân duy nhất gây ra hiện tượng này. Nhờ tác động của trọng lực, khí được đẩy lên từ dưới lòng đất, len lỏi qua các vết nứt gãy và đi qua bề mặt," Vasily Bogoyavlensky, người đứng đầu phóng thí nghiệm địa chất và địa vật lý tại khu vực, cho hay.
Một bí ẩn khác thách thức giới chuyên gia là tại sao các hố này đều có dạng tròn. Từ đầu năm nay, các nhà nghiên cứu và người dân địa phương đã phát hiện nhiều miệng hố nhỏ xung quanh những miệng hố khổng lồ. Tháng 11 năm ngoái, một nhóm thám hiểm đã xuống được đáy của một trong các miệng hố bí ẩn ở Siberia và thu thập được dữ liệu.