Mô hình điện toán cụm ảo đầu tiên tại Việt Nam

  •  
  • 143

IBM dùng điện toán cụm ảo để xây dựng Cổng Thông tin KHCN Việt Nam, cho phép người dùng có thể tự bổ sung thông tin vào trang Web và nhiều công cụ để thiết lập các cộng đồng trực tuyến.

Ngày 13/11/2007, tại Diễn đàn IBM mang tên "Sáng tạo và đổi mới trong môi trường tích hợp toàn cầu" tổ chức tại Hà Nội, IBM đã trình diễn quá trình các công nghệ điện toán cụm ảo, chạy trên máy chủ phiến IBM BladeCenters sử dụng bộ xử lý Power và x86, cung cấp và phân bổ các nguồn lực trong một ứng dụng khi khối lượng công việc thay đổi.

Theo TS. Willy Chiu, Phó chủ tịch Bộ phận Phần mềm của IBM, hãng này đã sử dụng mô hình điện toán cụm ảo để phối hợp với Bộ KHCN xây dựng Cổng Thông Tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VISTA Innovation Portal – VIP). Đây là dự án triển khai mô hình điện toán cụm ảo đầu tiên tại Việt Nam.

Tận dụng các ưu điểm của công nghệ Web 2.0, cổng VIP làm cho nội dung và kết cấu tĩnh hiện nay của trang Web mạng Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vietnam Information for Science and Technology Advance – VISTA) trở nên sống động, linh hoạt và phong phú hơn. Cổng VIP sẽ được lưu ký tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học Almaden của IBM tại Mỹ.

TS. Willy Chiu, Phó chủ tịch Bộ phận Phần mềm của IBM, tại Diễn đàn “Sáng tạo và đổi mới trong môi trường tích hợp toàn cầu”, tổ chức ngày 13/11, tại Hà Nội. Ảnh: ICTNews

Cổng VIP, được xây dựng cùng với sự hỗ trợ của IBM, sẽ giúp tạo ra một kênh thông tin đầy dủ, năng động cho cộng đồng nghiên cứu khoa học và các trường đại học cùng một số cơ quan chính phủ của Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc sáng tạo và đổi mới trong các tổ chức này”, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Quốc Thắng nhận xét.

Nhằm hỗ trợ phát triển các kĩ năng cần thiết cho người dùng, cổng VIP sẽ cung cấp các tài liệu giảng dạy chương trình Quản lý Kĩ thuật Khoa học Dịch vụ (Services Sciences Management and Engineering - SSME) và Chương trình Giảng dạy Dịch vụ Công nghệ Thông tin (IT Services Curriculum - ITSC). Đây là hai chương trình giảng dạy mới dành cho sinh viên các ngành CNTT, nhằm trang bị cho sinh viên những kĩ năng đa dạng trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước chuyển đổi thành một nền kinh tế dịch vụ trong tương lai.

Các trường đại học khắp cả nước sẽ có thể trực tiếp sử dụng cổng VIP để thiết lập các cộng đồng nghiên cứu nhằm hợp tác trong việc giảng dạy các kĩ năng mới cho sinh viên.

Cổng VIP có thể hỗ trợ hợp tác nghiên cứu ở ba cấp độ: cấp độ toàn quốc, cấp độ thành phố và trong phạm vi các trường.

Ở phạm vi toàn quốc, các trường đại học trên khắp cả nước có thể hợp tác để chia sẻ thông tin và tiến hành các nghiên cứu. Ở cấp độ thứ hai, bắt đầu từ TP.HCM, các thành phố có thể kết hợp để phát triển lực lượng lao động cho ngành dịch vụ CNTT tại địa phương. Cấp độ trường đại học bao gồm việc liên kết trong nội bộ các trường. Trường đầu tiên thực hiện chương trình này sẽ là trường Đại học Quốc gia TP.HCM gồm 5 trường đại học thành viên, một viện nghiên cứu, một khu công nghệ phần mềm (software park), một số trung tâm nghiên cứu và Trung Tâm Dịch vụ Toàn cầu IBM nằm trong khuôn viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đặt tại quận Thủ Đức.

Điện toán cụm ảo là một cách tiếp cận mới tới các hệ thống cơ sở hạ tầng chung trong đó một số lượng lớn các máy chủ hệ thống được kết nối lại với nhau để cung cấp các dịch vụ CNTT. Điện toán cụm ảo được thiết kế trên cơ sở những cải tiến mới nhất về hiệu suất và hiệu suất trên chi phí của các thiết bị kĩ thuật số, giúp gia tăng mạnh mẽ phạm vi của các môi trường CNTT. IBM đã và đang hợp tác triển khai các chương trình sử dụng mô hình điện toán cụm ảo với một số tập đoàn, cơ quan chính phủ, trường đại học và doanh nghiệp trực tuyến nhất định tại một số nước. IBM sẽ ra mắt những môi trường đầu tiên, tiền tích hợp của Blue Cloud dùng cho mục đích chung, vào năm 2008.

Theo ICTNews, VnMedia
  • 143