Mô hình tiến hóa của Darwin giải thích hiện tượng đồng tính luyến ái nam

  •   2,54
  • 3.242

Công bố trên số ra tuần này tờ PLoS ONE, nhóm nghiên cứu Italia gồm có Andrea Camperio Ciani, Giovanni Zanzotto (thuộc đại học Padova) cùng với Paolo Cermelli thuộc đại học Torino phát hiện ra rằng nguồn gốc tiến hóa và gìn giữ đặc điểm đồng tính luyến ái nam trong quần thể người có thể được giải thích nhờ một mô hình dựa trên chọn lọc tương phản giới tính trong đó các nhân tố di truyền nhân rộng trong quần thể bằng cách mang lại lợi thế sinh sản cho một giới nhưng lại gây bất lợi cho giới khác.

Người ta cho rằng đồng tính luyến ái nam chịu tác động của các nhân tố sinh lý xã hội cũng như có chứa thành phần di truyền. Ý kiến này nảy sinh từ sự phù hợp cao về định hướng giới tính ở cặp song sinh giống hệt nhau và đồng tính luyến ái nam xảy ra phổ biến hơn ở nam giới thuộc dòng mẹ đồng tính nam. Nhưng đồng tính luyến ái nữ lại không chịu những tác động như thế, từ đó chỉ ra rằng hai hiện tượng này có nguồn gốc cũng như động lực khác nhau.

Rất khó có thể giải thích hiện tượng đồng tính luyến ái nam bằng mô hình tiến hóa của Darwin do yếu tố vận chuyển gen dẫn đến đồng tính luyến ái nam sinh sôi thấp hơn mức trung bình. Có nghĩa là các alen ảnh hưởng đến tình trạng đồng tính luyến ái sẽ dần dần biến mất khỏi quần thể. Điều này đã thay đổi khi nghiên cứu trước đó do Camperio Ciani cùng cộng sự tiến hành được xuất bản anưm 2004 chứng mình được rằng phụ nữ thuộc dòng mẹ đồng tính nam lại có sức sinh sản cao hơn trung bình.

 

 (Ảnh: afrol.com)

Với những thách thức mà tất cả dữ liệu đặt ra, các tác giả của nghiên cứu mới công bố trên tờ PloS ONE đã cân nhắc rất nhiều giả thuyết khác nhau về hiện tượng khuếch tán gen đồng tính luyến ái nam. Giả thuyết bao gồm: hiệu ứng di truyền dòng mẹ lên con trai, ưu thế dị hợp tử (phát hiện thấy ở sức chống chịu bệnh sốt rét), và chọn lọc tương phản giới tính. Giả thuyết sau cùng là một khía cạnh đặc biệt trong lý thuyết tiến hóa của Darwin, trong đó các tác nhân di truyền khuếch tán trong quần thể bằng cách tạo ra ưu thế cho một giới trong khi mang lại bất lợi cho giới kia. Loại tiến hóa này đã được phát hiện trước đó ở côn trùng, chim và một số loài động vật có vú nhưng chưa từng được biết đến ở người.

Nhằm khám phá và làm rõ động lực của các nhân tố di truyền hình thành hiện tượng đồng tính luyến ái, các nhà nghiên cứu phải kiểm tra số lượng mô hình lớn rồi loại trừ từng cái một. Họ kết luận rằng mô hình tiềm năng duy nhất chính là chọn lọc tương phản giới tính. Các mô hình khác không khớp với thông tin thực tế, chúng đều ngụ ý rằng các alen sẽ bị tuyệt chủng quá dễ dàng hoặc xâm nhập quần thể hoặc không thể mô tả được mô hình phân phối đồng tính luyến ái nam cũng như khả năng sinh sản của nữ trong các gia đình đồng tính.

Kết quả của mô hình chọn lọc tương phản giới tính cho thấy mối quan hệ tương tác giữa đồng tính luyến ái nam với khả năng sinh sản ở nữ giới tăng lên trong quần thể với một động cơ phức tạp giúp duy trì đặc điểm đồng tính luyến ái nam ở tần số tương đối thấp nhưng ổn định, đồng thời nhấn mạnh đến hiệu quả của tính di truyền trong dòng mẹ.

Kết quả mang đến những thông tin mới mẻ về hiện tượng đồng tính luyến ái nam ở người. Đặc biệt nó làm thay đổi quan điểm về hiện tượng đồng tính với vai trò là một đặc điểm bất lợi (nó làm giảm sức sinh sản của nam giới) nhưng chúng ta nên nhìn nhận vấn đề với khung tiến hóa rộng hơn với các lợi ích di truyền cụ thể, tăng cường khả năng sinh sản cho nữ giới. Đây cũng có thể là nguồn gốc tiến hóa của đặc điểm di truyền này ở loài người.

Sự xuất hiện rộng rãi của đặc điểm tương phản giới tính trong các quá trình tiến hóa mang lại lợi thế sinh sản cho một giới nhưng lại là bất lợi cho giới kia chỉ mới được suy xét đến gần đây. Đây được coi là cơ chế chìa khóa qua đó tỉ lệ biến thể di truyền cao được duy trì trong các quần thể sinh học. Đồng tính luyến ái nam chỉ là ví dụ đầu tiên của rất nhiều đặc điểm tương phản giới tính khác còn chưa được biết đến góp phần duy trì tính biến thiên di truyền tự nhiên ở con người. Viễn cảnh mới mà các mô hình nghiên cứu được phát triển nhằm nghiên cứu chọn lọc tương phản giới tính có thể cũng mang lại hiểu biết sâu hơn về những bất đồng giới tính lớn nhất trong quần thể loài người xét về mặt di truyền mà vốn hiểu biết của chúng ta về chúng còn nghèo nàn.

Một ý nghĩa bất ngờ của các mô hình mới chính là tác động của các nhân tố di truyền tương phản giới tính của hiện tượng đồng tính luyến ái nam đối với sức sinh sản nói chung của một quần thể. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ đồng tính nam là tín hiệu của tỉ lệ nữ giới tương ứng có khả năng sinh sản cao hơn. Do đó các nhân tố di truyền nói trên góp phần làm tăng sức sinh sản của cả quần thể nói chung so với các quần thể mà những nhân tố này ít xuất hiện hoặc vắng mặt. Tỉ lệ tăng lớn hơn khi sức sinh sản của quần thể giảm xuống. Điều này có nghĩa là gen gây ra hiện tượng đồng tính luyến ái nam thực chất lại đóng vai trò của một chiếc lò xo giảm xóc đối với bất cứ nhân tố bên ngoài nào làm giảm sức sinh sản nói chung của cả một quần thể.

Trích dẫn: Camperio Ciani A, Cermelli P, Zanzotto G (2008) Sexually Antagonistic Selection in Human Male Homosexuality (Chọn lọc tương phản giới tính đối với hiện tượng đồng tính luyến ái nam ở người). PLoS ONE 3(6): e2282. doi:10.1371/journal.pone.0002282

Trà Mi (Theo Physorg)
  • 2,54
  • 3.242