Mô phỏng sao lớn gấp 1.000 lần Mặt trời phát nổ

  •  
  • 880

Từ Trái Đất, chúng ta có thể quan sát vụ nổ siêu tân tinh của sao khổng lồ đỏ Betelgeuse khi nó chết vào cuối vòng đời.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học California mô phỏng những gì sẽ xảy ra nếu sao khổng lồ đỏ Betelgeuse chết và phát nổ trong vụ nổ siêu tân tinh. Họ tiến hành nghiên cứu dựa trên thực tế ngôi sao siêu lớn này sắp tiến tới cuối vòng đời. Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Astrophysical Journal hôm 28/2.

Mô phỏng sao Betelgeuse trong vụ nổ siêu tân tinh
Mô phỏng sao Betelgeuse trong vụ nổ siêu tân tinh. (Ảnh: IB Times).

Betelgeuse nằm trong chòm sao Orion cách Trái Đất khoảng 700 năm ánh sáng. Các quan sát cho thấy Betelgeuse lớn gấp khoảng 1.000 lần Mặt Trời. Trong hai năm qua, các nhà khoa học nhận thấy độ sáng của ngôi sao liên tục giảm. Đây có thể là dấu hiệu báo trước cái chết của nó. Họ dự đoán khi điều này xảy ra, ngôi sao sẽ sụp đổ dưới sức nặng từ trọng lực của chính nó, tạo ra một vụ nổ sao cực mạnh gọi là siêu tân tinh.

Xét theo kích thước khổng lồ và vị trí của ngôi sao, nhóm nghiên cứu cho rằng chúng ta có thể nhìn thấy siêu tân tinh Betelgeuse từ Trái Đất. Nó sẽ xuất hiện như một vệt sáng chói trên bầu trời trong thời gian dài. Độ mạnh của vụ nổ sẽ phụ thuộc vào khối lượng ngôi sao. Trong trường hợp Betelgeuse, các nhà nghiên cứu cho rằng vụ nổ siêu tân tinh sẽ giống một ngôi sao tĩnh, theo Jared Goldberg, trưởng nhóm nghiên cứu.

Trước đó, nhà khoa học Emily Levesque và cộng sự ở Đại học Washington kết luận Betelgeuse sẽ không phát nổ sớm. Hiện tượng giảm độ sáng của Betelgeuse do lớp vật liệu bên ngoài bắn ra từ ngôi sao gây ra. Nhóm nghiên cứu giải thích đây là quá trình tự nhiên, giải phóng các hạt bụi xung quanh ngôi sao. "Sao khổng lồ đỏ đôi khi phóng thích vật liệu từ bề mặt, tạo thành lớp bụi dày đặc bao quanh. Khi nguội đi và phân tán, các hạt bụi sẽ hấp thụ ánh một phần ánh sáng chiếu tới Trái Đất và cản trở tầm quan sát", Levesque giải thích.

Cập nhật: 19/03/2020 Theo VnExpress
  • 880