Cơ quan vũ trụ Mỹ cho biết, một vệ tinh của Nga vừa vỡ thành hơn 100 mảnh trên quỹ đạo, buộc các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) phải trú ẩn.
Chưa rõ nguyên nhân gây ra sự cố vỡ vệ tinh quan sát Trái đất RESURS-P1 của Nga. Vệ tinh này dừng hoạt động từ năm 2022. Ngày 27/6, Bộ Tư lệnh Không gian vũ trụ Mỹ cho biết, không có mối đe dọa tức thời nào khi họ theo dõi các mảnh vỡ.
Bộ Tư lệnh Không gian vũ trụ Mỹ cho biết vệ tinh bắn ra hơn 100 mảnh vỡ. (Ảnh minh họa).
Bộ Tư lệnh Không gian vũ trụ Mỹ cho biết, vệ tinh vỡ vào khoảng 16h chiều ngày 26/6 (giờ GMT). Văn phòng Trạm vũ trụ của NASA cho biết, sự cố xảy ra trên quỹ đạo gần ISS, khiến các phi hành gia Mỹ ở đó phải trú ẩn trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Tadar thuộc công ty theo dõi không gian LeoLabs của Mỹ phát hiện vệ tinh làm văng ra nhiều mảnh vỡ trong 2 giờ đồng hồ sau đó.
Hiếm khi xảy ra sự cố làm văng mảnh vỡ trên không gian vũ trụ, nhưng điều này ngày càng đáng lo ngại khi không gian trở nên đông đúc với nhiều mạng lưới vệ tinh đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống hằng ngày trên Trái đất, từ internet băng thông rộng đến thông tin liên lạc và dịch vụ điều hướng.
Năm 2021, Nga được cho là đã bắn vỡ một vệ tinh không còn hoạt động bằng tên lửa chống vệ tinh từ mặt đất, tạo ra hàng nghìn mảnh vỡ, nhằm thử nghiệm vũ khí mới.
Nguy cơ xảy ra va chạm vệ tinh và chiến tranh không gian khiến một số người kêu gọi phải thiết lập một cơ chế quốc tế để quản lý các vệ tinh trong không gian, nhưng đến nay vẫn chưa có.