Một dấu vết nhỏ cũng giúp giám định ADN

  •  
  • 746

Các chuyên gia nghiên cứu về gene khẳng định, trong các vụ án đốt xác phi tang, chỉ cần tìm thấy một mảnh xương nhỏ hoặc chiếc răng là có thể mang đi giám định ADN xác định danh tính.

Việc bà Lê Thị Hường, ở xã Xà Bang, Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị tình nghi dính líu đến vụ mất tích của bà Dương Thị Thủy Bình Hà, 51 tuổi, nguyên chủ tịch Hội Chữ thập đỏ kiêm thủ quỹ xã Kim Long, huyện Châu Đức gần một năm nay thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trong quá trình điều tra, công an tỉnh phát hiện tro cốt và một số răng được cho là của con người ở trong vườn nhà bà Hường. Theo cán bộ điều tra, để đưa ra kết luận đấy có phải là di vết của bà Hà hay không cần phải giám định ADN. Công an tỉnh đã lấy mẫu tóc con trai và em bà Hà để đối chiếu.

Công an tìm thấy nhiều túi nylon nghi đựng tro cốt của bà Hà tại vườn nhà bà Hường.
Công an tìm thấy nhiều túi nylon nghi đựng tro
cốt của bà Hà tại vườn nhà bà Hường. (Ảnh: N.H)

Theo các chuyên gia về ADN, trong hầu hết vụ án đốt xác phi tang, lực lượng chức năng chỉ cần tìm thấy mẩu xương nhỏ, hoặc một bộ phận nào đó như răng, chân tóc... mà chưa bị đốt thành tro đều có thể mang đi giám định ADN.

Với trường hợp đốt xác ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu công an tỉnh thu được mẫu răng thì sẽ có thể sử dụng để giám định cho kết quả. Giáo sư Lê Trần Bình, nguyên Viện trưởng viện Công nghệ sinh học, cho biết khi giám định, người ta sẽ khoan khoảng 5-7 mm lấy tủy răng sau lớp men và mang đi làm các xét nghiệm ADN. "Tủy răng là phần tốt nhất để làm ADN", giáo sư Bình nói.

Theo ông Bình, các xương ống to, khớp và răng, nhất là răng nanh, rất khó cháy, chỉ cần lấy chút tủy bên trong vật mẫu này, việc xác định ADN trở nên dễ dàng. Các loại xương khác cũng đều có thể giúp giám định, miễn là không bị thiêu đến mức thành chất vô cơ. "Xương ống còn rắn là dễ giám định, số lượng cần độ 2 đốt ngón tay. Xương cổ cũng được", ông nói.

Trong trường hợp không thu được các mẫu như nêu trên mà chỉ có tro, tức là chất vô cơ, thì việc giám định trở nên khó khăn. "Nếu chỉ còn tro, bột trắng thì không làm được giám định gene", giáo sư Lê Đình Lương, Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền, nói.

ADN là chữ viết tắt của Axit DeoxyriboNucleic. ADN tồn tại chủ yếu trong nhân tế bào, trên các nhiễm sắc thể, lưu trữ thông tin di truyền của sinh vật. Một đoạn ADN mang thông tin di truyền còn được gọi là gene. Theo di truyền học, ADN của một cơ thể thừa hưởng một nửa từ bố và một nửa từ mẹ, quy định đặc điểm riêng biệt của từng cá thể.

Giám định ADN là việc phân tích, so sánh những đoạn ADN tách chiết được từ tế bào của cơ thể như máu, chân tóc, mô, tinh dịch, dấu vết sinh học chứa ADN để lại trên hiện trường, từ đó truy tìm thủ phạm, tung tích nạn nhân hoặc xác định mối quan hệ huyết thống.

Mọi người có thể giám định ADN qua nhiều loại tế bào như máu, niêm mạc miệng, mô, móng tay, chân tóc, cuống rốn, xương, răng, tinh trùng.... Các xét nghiệm sẽ có cùng độ chính xác như nhau, vì tất cả các tế bào trong cùng một cơ thể đều có cùng một loại ADN.

Theo VNE
  • 746