Một người Mỹ tận tụy với voọc Việt Nam

  •  
  • 898

Dù là trong bữa ăn hay trên đường đi công tác, những điều mà Rick Passaro thường nghĩ đến đều liên quan tới voọc, bởi anh biết một điều giản dị: những con voọc cần anh.

Hành lý mà Rick Passaro, người Mỹ 55 tuổi, mang đến đảo Cát Bà cách đây hơn một năm chỉ có mấy cuộn băng cassette cũ, đĩa CD, DVD, quần áo và sách. Rick đến để bảo vệ những con voọc quý hiếm đang bị săn bắn đến gần như tuyệt chủng.

Trong số 7 loài voọc của Việt Nam, voọc đầu vàng hay còn gọi là voọc Cát Bà là loài quý hiếm nhất. Từ năm 2000, voọc Cát Bà trở thành một trong 25 loài hiếm nhất thế giới, với số cá thể chỉ trong khoảng 60-70 con.

"Những con voọc cần tôi", Rick, chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã, nói khi được hỏi về lý do anh tới Việt Nam. Rick chưa từng biết tới loài voọc này cho tới khi đọc quảng cáo tuyển dụng trên mạng. "Nhưng càng đọc và tìm hiểu về vấn đề của voọc Cát Bà ở Việt Nam, tôi càng thấy đây không chỉ là một dự án hay mà còn là một thách thức lớn. Và chính thách thức đó đã hấp dẫn tôi".

Cuộc sống mới ở Cát Bà bắt đầu với những khó khăn và đôi khi cả sự sốt ruột. "Sáu tháng đầu mới làm việc, tôi không có cơ hội nhìn tận mắt voọc Cát Bà", Rick kể lại.

Rick Passaro trong một chuyến đi khảo sát voọc.
Rick Passaro trong một chuyến đi khảo sát voọc. (Ảnh: Dự án bảo tồn voọc Cát Bà)

"Nhưng Rick thích nghi rất nhanh", đồng nghiệp Việt Nam của anh nhận xét. "Các sếp nước ngoài trước dù ở lâu vẫn phải nhờ người chỉ đường, đèo đi, nhưng Rick tự học và thường lái xe máy đi hơn chục cây từ vườn quốc gia Cát Bà tới thị trấn", Phạm Văn Tuyền, cán bộ tham gia Dự án Bảo tồn voọc, cho biết.

Con vật biểu tượng quốc gia

Làm giám đốc dự án tức là phải đưa ra được những ý tưởng mới. Rick nghĩ mọi lúc mọi nơi về voọc, từ lúc ăn trưa cho đến lúc trên chuyến xe công tác. Lần đầu đến Việt Nam bằng máy bay của hãng hàng không Việt Nam, Rick nhìn thấy biểu tượng hoa sen và được cho biết đấy là quốc hoa. "Vậy con vật biểu tượng của Việt Nam là gì?", anh tự hỏi và rồi đi tìm hiểu qua mạng.

“Con hổ ư? Nhiều nước châu Á cũng có hổ. Còn con trâu? Các nước Đông Nam Á cũng không ít. Cuối cùng, con rồng thì lại không hề có thực”, anh lập luận. Sau một hồi suy nghĩ, anh chia sẻ ý tưởng có vẻ phi thực tế với đồng nghiệp. "Tại sao không lấy voọc Cát Bà làm quốc vật của Việt Nam?", Rick hỏi.

"Cả thế giới chỉ có mỗi Việt Nam có voọc Cát Bà, và quan trọng hơn cả, có ai dám làm tuyệt chủng quốc thú của mình?".

Sau hơn 10 năm kể từ khi dự án được thành lập, Rick là người đầu tiên đưa ra ý tưởng đặt "bẫy ảnh" (camera chụp tự động theo chuyển động của động vật) trong hang để quan sát tập tính của loài voọc Cát Bà. Đây cũng là lần đầu tiên giới khoa học có những bức ảnh, thậm chí cả phim về voọc Cát Bà trong hang. Sáng kiến của Rick giúp người nghiên cứu thu được nhiều số liệu quan trọng về tập tính loài voọc Cát Bà mà trước đây mọi người còn mơ hồ.

Niềm say mê với công việc và sức sáng tạo của Rick đã lan sang cả những đồng nghiệp của mình. "Điều lớn nhất tôi học được ở anh Rick là niềm say mê nghề nghiệp, tính cầu thị và tinh thần lao động không mệt mỏi vì sự nghiệp bảo tồn", Tuyên chia sẻ.

Chiếc áo 17 năm

Cũng như nhiều nhà khoa học khác, Rick cho biết làm nghề bảo tồn, làm vệ động vật học sẽ không kiếm được nhiều tiền. "Tôi vẫn còn độc thân, không vợ, không con. Làm việc ở đây giúp tôi có đủ tiền chi trả cho bản thân, vì tôi không có người phải nuôi nấng, chăm sóc", Rick cười sảng khoái, vô lo. Nếu chỉ nghe giọng nói sôi nổi, lúc bổng lúc trầm này, thật khó có thể hình dung người đàn ông đến từ bang New York đã ở tuổi ngũ tuần.

Rick và đồng nghiệp đang khảo sát hang voọc.
Rick và đồng nghiệp đang khảo sát hang voọc. (Ảnh: Dự án bảo tồn voọc Cát Bà)

"Cái áo này mình mặc bao lâu rồi nhỉ?", Tuyền kể lại lời "thầy Rick" khi hai thầy trò một lần nói chuyện. Truy tới tận cùng lịch sử chiếc áo phông, cuối cùng Rick cũng nhớ ra anh mua nó từ những năm 1990, hồi còn ở châu Phi. "Tính ra cũng phải hơn 17 năm rồi đấy!", Rick nói với người đồng nghiệp.

"Tôi cũng không phải siêu nhân", Rick thú thực. "Không phải sáng nào tỉnh dậy tôi cũng rú lên: Yeah, mình đang ở Cát Bà và mình sẽ đi cứu loài voọc! Thực tế là nhiều lúc tôi cũng bực tức: "Thế quái nào mà lại mất điện? Ôi trời ơi, lại mất nước nữa à?", anh kể với giọng bông đùa.

Khó khăn nhiều, nhưng khi nói đến voọc, Rick bộc lộ niềm say mê, nói về chúng không ngừng. Mỗi khi đọc được thông tin gì về tình trạng voọc bị săn bắt hoặc bị xử tệ, Rick lại buồn thừ ra. "Dự án bảo tồn hoạt động bao năm nay, thế mà vẫn có người muốn săn voọc? Ta phải làm thế nào đây?".

Dự án bảo tồn voọc Cát Bà đang phối hợp với đại sứ quán Mỹ tổ chức một cuộc thi vẽ tranh về voọc, với giải nhất lên đến 10 triệu đồng, nhằm khuyến khích cộng đồng bảo vệ loài vật quý hiếm bên bờ tuyệt chủng này.

Khi nhìn thấy những hình ảnh về việc hai thanh niên bức hại voọc chà vá chân xám ở Quảng Ngãi, Rick sửng sốt, rồi chuyển sang giận dữ. "Mấy ngày nay, đồng nghiệp và tôi liên tục nói chuyện về vụ này. Mấy người đó đã hành động thật nhẫn tâm".

Theo VNE
  • 898