Một tuần, 3 vụ kiện giữa các tập đoàn công nghệ

  •  
  • 177

Hãng bảo mật Symantec vừa yêu cầu tòa án Mỹ cấm Microsoft phát triển Windows Vista, còn dịch vụ Google Suggest bị cáo buộc tiếp tay cho phần mềm lậu. Trong khi đó, trước đơn kiện của Creative, Apple lập tức kiện ngược lại công ty sản xuất máy nghe nhạc Singapore này.

Symantec đã yêu cầu Microsoft gỡ bỏ công nghệ lưu trữ Veritas trong các sản phẩm như Windows XP, Windows Server 2003, Vista và "Longhorn" Windows Server. Tháng 8/1996, công ty Veritas đã ký kết một thỏa thuận cho phép Microsoft sử dụng công nghệ quản lý của họ trong phiên bản hệ điều hành Windows NT. Tuy nhiên, Symantec đã mua lại công ty này với giá 10,2 tỷ USD năm ngoái.

Hãng bảo mật khẳng định phần mềm của họ đã bị "sử dụng trái phép", còn Microsoft lại cho rằng họ có toàn quyền triển khai công nghệ Veritas bởi hãng này đã mua quyền sở hữu trí tuệ từ Veritas trong năm 2004.

Vụ kiện cáo trên có nguy cơ sẽ làm chậm ngày phát hành Windows Vista, theo kế hoạch sẽ được công bố vào tháng 1/2007.

Trong khi đó, công ty Bỉ ServersCheck đã đệ đơn phàn nàn rằng những thuật ngữ tìm kiếm trong dịch vụ Google Suggest có thể hướng người sử dụng đến những trang chứa phần mềm bất hợp pháp.

Mỗi khi mọi người gõ từ khóa vào chương trình Google Suggest, thanh công cụ này sẽ tự động hiển thị một loạt những thuật ngữ gợi ý có liên quan. Khi từ ServersCheck được nhập vào, Google sẽ đề xuất một số từ như "serverscheck crack", "serverscheck pro crack", "serverscheck keygen" (bẻ khóa, sinh khóa serverscheck).

Theo Maarten Van Laere, Giám đốc điều hành của ServersCheck, hãng dịch vụ tìm kiếm Mỹ cần thay đổi những từ gợi ý đó do 93% khách hàng truy cập vào website của công ty là thông qua công cụ tra cứu phổ biến Google. Luật sư Trevor Callaghan của Google khẳng định họ cũng đã chặn một số thuật ngữ nhạy cảm trong dịch vụ.

Đầu tuần này (15/5), hãng sản xuất máy nghe nhạc thứ hai thế giới Creative đã đệ đơn lên Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ, tố cáo Apple vi phạm một trong các bằng sáng chế của họ. Creative đề nghị tòa án buộc Apple ngừng sản xuất và kinh doanh máy nghe nhạc phổ biến iPod.

Cũng ngay trong ngày hôm đó, Apple lập tức trình đơn kiện Creative tại tòa án liên bang vùng Wisconsin, khẳng định công ty châu Á này đã vi phạm tới 4 mẫu sở hữu trí tuệ của "Quả táo".

"Chúng tôi đã tự nguyên tổ chức các buổi đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp có lợi cho cả hai bên. Tuy nhiên, trong những lần gặp gỡ đó, Apple không hề nhắc đến bốn mẫu bản quyền mà họ đưa ra để kiện chúng tôi", Phil O'Shaughnessy, phát ngôn viên của Creative, cho biết.

T.N.

Theo InfoWorld, AP, VNUNet, VnExpress
  • 177