Mưa nhựa làm nhiễm độc hầu hết mọi thứ con người ăn và uống

  •  
  • 139

Vi nhựa có mặt ở mọi nơi, trong đồ ăn, thức uống, cả trong không khí. Thậm chí vi nhựa đã bay lên tận các tầng mây và có thể ảnh hưởng xấu đến việc hình thành mây và khí hậu trên thế giới.

Vi nhựa là những mẩu nhựa có kích thước dưới 5mm. Chúng được tìm thấy trong nước thải công nghiệp và các sản phẩm làm đẹp, hoặc có thể hình thành trong quá trình phân hủy các mảnh rác nhựa lớn hơn.

Theo ước tính của UNESCO, trong các đại dương có khoảng từ 50 nghìn tỷ đến 75 nghìn tỷ mẩu rác nhựa và rác vi nhựa mà đường đi cuối cùng của chúng sẽ là thức ăn và nước uống của chúng ta.

Hạt vi nhựa
Vi nhựa (phải) được tìm thấy trong các đám mây có hậu quả đáng lo ngại đối với sức khỏe con người và sự biến đổi khí hậu. (Ảnh: Digital Vision/Sansert Sangsakawrat/Getty).

Các hạt nhựa này chứa hóa chất làm rối loạn sự sản sinh các hormone tự nhiên trong cơ thể con người, có nguy cơ gia tăng dị tật sinh sản và một số bệnh ung thư. Trên bề mặt các hạt nhựa còn có thể có các chất độc khác, chẳng hạn như các kim loại nặng.

Với số lượng khổng lồ các hạt vi nhựa trong đại dương, chẳng có gì ngạc nhiên khi một phần của chúng sẽ bốc hơi vào khí quyển. Mặc dù vậy, sự có mặt của chúng ở các tầng khí quyển trên cao vẫn chưa được nghiên cứu nhiều.

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà nghiên cứu ở Trường đại học Waseda, Nhật Bản, đã phân tích nước ngưng tụ thành mây trên các đỉnh núi ở dãy núi Fuji và dãy núi Oyama ở độ cao từ 1.280 mét đến 3.780 mét, để tìm hiểu xem những hạt vi nhựa này có mặt ở độ cao như vậy hay không. Kết quả cho thấy chúng có mặt ở đó.

Vi nhựa có độ phân mảnh rất cao, với nồng độ khoảng 6,7 đến 13,9 mảnh/ lít nước trong mây. Tổng cộng có chín loại nhựa polymer và một loại cao su được tìm thấy ở đây.

Hầu hết các hạt vi nhựa này chứa các phân tử có khả năng liên kết với nước. Điều này chứng tỏ chúng đóng một vai trò trong việc hình thành mây, là hạt giống ở trung tâm đám mây mà xung quanh hơi nước có thể ngưng tụ.

Về mặt khoa học, đây được gọi là hạt nhân ngưng tụ đám mây và sự có mặt của nó có thể ảnh hưởng đến các kiểu thời tiết trên khắp thế giới.

Giáo sư Hiroshi Okochi, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết các hạt vi nhựa trong tầng đối lưu tự do được đưa đi khắp nơi và góp phần gây ô nhiễm toàn cầu.

Nếu vấn đề không khí bị ô nhiễm nhựa không được con người chủ động giải quyết thì các rủi ro về biến đổi khí hậu và sinh thái hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, gây ra những thiệt hại môi trường nghiêm trọng và không thể khắc phục trong tương lai.

Phát hiện này đã củng cố thêm cho các kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy sự có mặt của vi nhựa trong nước mưa. Ví dụ: một nghiên cứu trong năm 2020 của Trường đại học bang Utah, Mỹ, cho biết mỗi năm có hơn 1.000 tấn khối hạt nhựa thải ra các khu vực được bảo vệ ở nam và trung tây nước Mỹ.

Vi nhựa có trong không khí không chỉ ảnh hưởng đến sự hình thành mây mà còn đóng một vai trò tiêu cực trong hiểm họa ấm lên toàn cầu thông qua việc hấp thụ, phát thải hoặc tích tụ ánh sáng mặt trời.

Bức xạ này còn có thể đẩy nhanh quá trình phân hủy các hạt nhựa, giải phóng thêm các khí nhà kính trong quá trình phân hủy đó.

Giáo sư Okochi nói rằng: "vi nhựa trong không khí phân hủy nhanh hơn nhiều khi ở các tầng khí quyển trên cao so với khi dưới mặt đất do bức xạ tia cực tím ở trên cao rất lớn, và sự phân hủy này giải phóng ra các khí nhà kính và góp phần làm ấm lên toàn cầu.

Các phát hiện của nghiên cứu này có thể dùng để tính toán tác động của vi nhựa trong không khí cho các tình huống ấm lên toàn cầu trong tương lai".

Cập nhật: 02/10/2023 Dân Trí
  • 139