Mút xốp chống cháy kỳ bí của cựu binh tên lửa

  •  
  • 1.580

Sau 15 năm mày mò nghiên cứu, ông Phạm Gia Tuấn cho ra lò loại mút xốp cách âm không bắt lửa.

Tiếp chúng tôi trong căn xưởng cũ kỹ ở thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), ông Phạm Gia Tuấn (61 tuổi) tâm sự: "Từ những năm 1980, sau khi đi bộ đội về, tôi đã có ý tưởng làm về vật liệu chống cháy. Đã từng công tác về tên lửa nhiệt A72 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân nên tôi có hiểu biết về lĩnh vực này".

Ông nhớ lại ngày 20/7/1999, vũ trường Đêm màu hồng ở 78 Hàng Chiếu (Hà Nội) bị cháy, thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Rồi đến năm 2002, vụ cháy kinh hoàng ở tòa nhà trung tâm thương mại quốc tế ITC (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM) làm 60 người chết.

Ông Tuấn cho rằng: "Nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn ở ITC là khi hàn các bu-lông định vị trên trần, thợ hàn để vảy xỉ nhiệt độ khoảng 1.700 độ bắn vào xốp cách âm, gây cháy lan nhanh và cháy lớn".

Từ kinh nghiệm hơn 20 năm thi công lắp đặt các loại mút xốp cho các quán hát tại Hà Nội, ông Tuấn nói: Loại mút xốp dùng để cách âm là vật liệu dễ bén lửa, một khi đã cháy thì rất khó dập tắt vì lửa cháy âm ỉ bên trong.

Chính vì điều này, ông Tuấn ấp ủ ý định sẽ sản xuất ra một loại mút xốp cách âm không bắt lửa.

Ông Phạm Gia Tuấn giới thiệu mút chống cháy.
Ông Phạm Gia Tuấn giới thiệu mút chống cháy.

Nhớ lại thời kỳ đó, ông Tuấn cho biết: "Tôi thường nói chuyện và kết bạn với nhiều thầy giáo giảng dạy ở ĐH Bách khoa Hà Nội. Khi tôi nói ý định này mấy ông bạn đều cười và cược nhau, nếu ai tìm được ra vật liệu chống cháy thay mút xốp sẽ được bao cà phê một tháng".

Bạn tôi nghĩ cuộc nói chuyện là đùa, nhưng tôi quyết và làm thật.

15 năm nghiên cứu và đợi chờ

"Mút xốp chính là "thủ phạm" khiến các vụ cháy quán karaoke dữ dội và khó dập tắt. Mút được ốp gần như toàn bộ tường và trần phòng hát. Ghế salông trong quán cũng làm bằng chính vật liệu này" - ông Tuấn xác định.

Ưu điểm của loại này là cách âm, cách nhiệt tốt và hút âm tránh cho âm thanh bị vang dội. Đặc biệt, đây là vật liệu rẻ tiền nên những năm qua chưa có loại nào thay thế được. Ngay cả các phòng thu thanh - truyền hình hiện đại cũng dùng.

Theo ông Tuấn, vật liệu này dễ bắt lửa nên nếu cháy sẽ bùng phát rất nhanh, một khi bắt lửa thì khó dập tắt vì cháy ngầm do trong lỗ xốp có sẵn khí oxy. Đáng nói là, khi cháy thì bốc khói màu đen kịt, mang nhiều hơi độc gây ngạt khói dẫn đến tử vong rất nhanh chóng.

Ông Tuấn thí nghiệm với mút chống cháy.
Ông Tuấn thí nghiệm với mút chống cháy.

"Vừa làm tôi trăn trở suy nghĩ làm sao phải giải quyết khả năng dễ cháy của mút bằng cách giới hạn về tốc độ và mức độ cháy", ông Tuấn bộc bạch.

Trải qua hàng trăm thử nghiệm, thất bại liên tiếp, sức khỏe lại đang đi xuống cũng làm ông đôi lúc nản chí, muốn dừng lại. Tuy nhiên, tình hình cháy nổ trên cả nước diễn ra phức tạp lại khiến ông không thể ngồi yên.

Ông cho hay: "Một tháng đầu tiên tôi lao vào nghiên cứu, bạn bè rồi hàng xóm biết đến ai cũng nghĩ tôi là người không bình thường vì suốt ngày sáng thì chạy đi Bắc Ninh, tối chạy về Hà Nội, ngày đêm chúi đầu trong cái xưởng, mọi người đều cho rằng, đã là mút xốp thì làm sao có thể không cháy được?".

Phải hơn 4 tháng sau, kể từ ngày bắt tay nghiên cứu tôi mới cho ra sản phẩm hoàn thiện, quá vui mừng ông chạy đến gặp mấy ông bạn hay ngồi cà phê để làm thí nghiệm cho mọi người thấy, không ngoài dự đoán, tất cả mọi người đều kinh ngạc trước sản phẩm của ông.

Ông Tuấn cho hay, ngay lúc đó đã gửi công trình nghiên cứu đến nhiều cơ quan, báo đài liên quan, nhưng do cơ chế thị trường, dịch vụ karaoke phát triển nhanh như vũ bão, nên ngày đó sáng chế chưa được chú ý.

Giảm giá thành

Loại mút xốp sau 15 năm nghiên cứu của ông Tuấn.
Loại mút xốp sau 15 năm nghiên cứu của ông Tuấn.

Khi được hỏi vì sao chế tạo công nghệ thành công đã hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa đưa sản phẩm đi vào cuộc sống, ông Tuấn chia sẻ: "Sản phẩm ban đầu của tôi làm ra tuy chống cháy được nhưng giá thành lại cao gấp 5 lần mút xốp thông thường nên không ai nhận công nghệ cả".

"Hồi đó, nhiều quán karaoke từ chối sản phẩm của tôi vì giá cao quá, loại mút kia kia tác dụng cách âm tương đương nhưng giá lại rẻ" - ông Tuấn cho biết.

Chia sẻ về sản phẩm 15 năm dày công nghiên cứu của mình, ông Tuấn tâm sự: "Sau nhiều lần nghiên cứu, tôi đã tìm ra phương pháp chế tạo mút chống cháy chất lượng hơn mà giá thành giảm xuống 4 lần so với thời điểm ban đầu, toàn bộ máy móc, công nghệ tôi đều hoàn thiện để khi cần sẽ đi vào vận hành".

"Giờ tôi chỉ mong sản phẩm được xã hội và cơ quan chức năng ghi nhận" - ông trải lòng.

Cập nhật: 24/11/2016 Theo Vietnamnet
  • 1.580