Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra một phương án dễ dàng hơn là đưa robot cố chui vào lớp vỏ băng của mặt trăng sao Thổ Enceladus để săn tìm sinh vật ngoài hành tinh.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Planetary Science Journal cho thấy chỉ cần một tàu quỹ đạo với thiết bị bổ sung là đủ cho NASA thu thập những bằng chứng vững chắc về sự hiện diện của sinh vật ngoài hành tinh trên "mặt trăng sự sống" Enceladus.
Enceladus, mặt trăng to lớn, giá băng của sao Thổ, là một trong những nơi mà NASA gần như chắc chắn là miền đất hứa của sinh vật ngoài hành tinh, sau phát hiện chấn động của tàu thăm dò sao Thổ Cassini năm 2014.
Tàu Cassini và Enceladus - (Ảnh: NASA)
Cassini không chỉ xác định một đại dương lớn dưới bề mặt băng giá của Enceladus và lấy được mẫu nước từ các vụ phun trào xuyên vỏ băng, mà còn phân tích và tìm ra được các phân tử hữu cơ tạo nên nền tảng của sự sống. Các vụ phun trào cũng tống ra khá nhiều khí methane, là một trong những dấu hiệu sự sống đáng tin cậy nhất.
Theo Sci-News, NASA đã xây dựng một kế hoạch lớn cho thập kỷ sắp tới, đó là đưa một tàu đổ bộ mang robot mini đến Enceladus, cho robot chui xuống dưới vỏ băng để tìm sinh vật ngoài hành tinh.
Thế nhưng nghiên cứu mới, dẫn đầu bởi nhà khoa học hành tinh Régis Ferrière từ Đại học Arizona (Mỹ) - đơn vị thường xuyên phối hợp với NASA trong các sứ mệnh - cho thấy chỉ cần một tàu quỹ đạo là đủ.
Tàu quỹ đạo ít tốn kém, dễ thực hiện và sẽ sớm thành hiện thực hơn nhiều năm so với kế hoạch về tàu đổ bộ và dàn robot đi kèm. Tàu vũ trụ mới sẽ cần được trang bị các công cụ nâng cấp hơn so với Cassini, nhưng thực hiện cùng một công việc với Cassini là lấy mẫu các luồng khí, hoặc cũng có thể đổ bộ để lấy mẫu trực tiếp nhưng không cần mang robot.
Lý do là lượng methane dư thừa mà Cassini tìm thấy đã đủ gợi lên hình ảnh về các hệ sinh thái đặc biệt tồn tại ở các lỗ thủy nhiệt dưới đáy đại dương - giống như hệ thống thủy nhiệt ở đáy biển khu vực Hawaii hay Nam Cực của Trái đất, nơi tràn ngập sự sống bất chấp bóng tối và áp suất cao.
Các sinh vật sống ở đó chủ yếu là vi khuẩn đơn giản gọi là methanogens, tự cung cấp năng lượng dù không có ánh sáng Mặt trời.
Methanogens chuyển đổi dihydrogen và CO2 để thu năng lượng và giải phóng methane như sản phẩm phụ. Vì vậy phân tích sâu hơn các luồng methane bắn lên từ đại dương ngầm đủ để tính toán sinh quyển của Enceladus. Ngoài ra, các luồng khí này có thể mang theo các tế bào của sinh vật ngoài hành tinh mà việc của chúng ta chính là dùng công cụ phân tích tiên tiến hơn để bắt gọn.
Chính các phân tử hữu cơ cụ thể sẽ là bằng chứng để xác nhận hoặc bác bỏ niềm tin về một sinh quyển phong phú trên Enceladus mà NASA nuôi dưỡng bấy lâu.