Các loại bao bì từ chất dẻo sau khi không còn sử dụng sẽ là thảm họa cho môi trường vì chúng rất khó bị phân hủy. Hệ sinh thái có nguy cơ “nghẹt thở” bởi loại rác này.
Liên kết hóa học rất phức tạp và bền vững của sản phẩm làm từ công nghệ hóa dầu giúp chúng chống lại khả năng phân hủy tự nhiên. Ước tính từ những năm 1950 đến nay đã có hơn 1 tỉ tấn chất dẻo bị thải ra môi trường mà hàng trăm năm sau vẫn còn tồn tại nếu không có giải pháp nào khác.
Nay, tín hiệu tốt đã đến từ nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Yale, Connecticut (Mỹ) khi họ tìm thấy loài nấm trong rừng mưa Amazon có thể phá hủy cấu trúc loại nhựa phổ biến là polyurethane, theo báo Daily Mail. Được coi là loại chất dẻo phổ biến nhất, từ năm 2007 đến nay đã có trên 12 triệu tấn nguyên liệu polyurethane được sử dụng trên toàn cầu và tốc độ tăng trưởng hằng năm là 5%.
Loại nấm được xác định là Endophytes sống ký sinh trên cây trong rừng Ecuador nhưng không gây hại cho cây chủ, chỉ khi cây chủ chết đi thì chúng mới đóng vai trò phân hủy. Có thể nuôi cấy mô Endophytes để phát triển số lượng và dùng chúng phá vỡ cấu trúc polyurethane. Nghiên cứu cho thấy những loại nấm này cũng có khả năng phân hủy các chất liệu tổng hợp.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có hơn 300.000 loại thực vật trên trái đất có thể làm cây chủ cho nấm ký sinh, trong đó có nhiều loại nấm rất mới mẻ đối với giới khoa học.