Tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính đối với môi trường các đại dương trên toàn cầu là nghiêm trọng và phức tạp hơn nhiều so với tính toán của giới khoa học quốc tế.
Sự sống các sinh vật dưới đại dương đang bị đe dọa. (Ảnh minh họa: Internet)
Đây là nghiên cứu mới nhất được công bố trong Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 16 (COP-16) đang diễn ra ở thành phố biển Cancun, Mexico, ngày 2/12.
Với nhan đề “Hậu quả môi trường của tình trạng axít hóa các biển và đại dương," nghiên cứu trên nhấn mạnh quá trình hấp thụ khí thải CO2 đã làm biến đổi thành phần hóa học của biển và đại dương với tốc độ nhanh chưa từng thấy.
Trong vòng 65 triệu năm qua, độ pH của môi trường biển và đại dương đã giảm tới 30%. Các biển và đại dương hấp thụ 25% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu và chuyển thành axít cácboníc.
Giới khoa học cảnh báo trong các thập kỷ sắp tới, với tốc độ axít hóa như hiện nay, các sinh vật biển như san hô, động vật có vỏ như trai, sò, tôm cua có nguy cơ tuyệt chủng do không hình thành được lớp vỏ.
Nạn axít hóa kết hợp với sự ấm lên của các đại dương khiến nhiều loài hải sản và động vật biển không còn môi trường nhiệt độ thích hợp để phát triển.
Nguồn thực phẩm cho các loài cũng cạn kiệt, đe dọa cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới đang phụ thuộc vào chúng.
Theo thống kê, nguồn hải sản hiện đang cung cấp 15% lượng protein cho 3 tỷ người và là nguồn cung cấp protein chủ yếu cho hơn 1 tỷ người nữa trên thế giới.
Ông Achim Steiner, Giám đốc chấp hành UNEP cảnh báo, tình trạng axít hóa thực là một hiểm họa đối với môi trường biển, đại dương cũng như nguồn thực phẩm và các nguồn lợi khác từ vùng nước mặn đối với con người, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn hải sản đang ngày một cạn kiệt. Nguy cơ này đã đến mức báo động đỏ do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng không kiểm soát được như hiện nay.