Nắng nóng kỷ lục, Trung Quốc rải hóa chất gieo mưa nhân tạo

  •  
  • 150

Để giải quyết tình trạng hạn hán kéo dài, Trung Quốc đã điều động máy bay không người lái khổng lồ để để gieo mưa nhân tạo ở Tứ Xuyên.

Quyết định này của quốc gia tỷ dân được đưa ra giữa đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong vòng 6 thập kỷ.

Tình trạng nắng nóng xảy ra chủ yếu ở Tứ Xuyên, trung tâm thủy điện quan trọng của Trung Quốc, làm hàng loạt hãng công nghệ như Apple, Tesla điêu đứng vì mất điện.

Do đó, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) đã triển khai hai máy bay không người lái cỡ lớn để “gieo mây” trên bầu trời phía bắc và đông nam tỉnh Tứ Xuyên. Các thiết bị sẽ rải hóa chất gây ngưng tụ như i-ốt bạc lên các đám mây nhằm tạo mưa trong khu vực rộng hơn 6.000km2 tại tỉnh này.

Sau khi máy bay rải hóa chất giúp tạo hạt, các đám mây sẽ ngưng tụ và bắt đầu tạo mưa. Tờ Nhân dân nhật báo còn cho biết hai máy bay cỡ lớn đã sử dụng 20 thanh i-ốt bạc và bay suốt 4 tiếng đồng hồ để gieo mưa cho khu vực tỉnh Tứ Xuyên.

Trung Quốc đã điều động hai máy bay không người lái cỡ lớn để rải hóa chất tạo mưa.

Trung Quốc đã điều động hai máy bay không người lái cỡ lớn để rải hóa chất tạo mưa.
Trung Quốc đã điều động hai máy bay không người lái cỡ lớn để rải hóa chất tạo mưa. (Ảnh: People's Daily).

Theo Bloomberg, Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ này trong quy trình tưới tiêu hoặc làm mát những thành phố phải chịu hạn hán, nắng nóng. Máy bay tạo mưa còn được sử dụng để đảm bảo thời tiết đẹp cho những sự kiện quan trọng như Olympic.

Trước đó, năm 2021, quốc gia tỷ dân từng thử nghiệm máy bay tạo mưa. Máy bay Ganlin 1 là thiết bị bay không người lái tạo mưa đầu tiên đi vào hoạt động, giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề thiếu nước giữa mùa nắng nóng.

Thiết bị này có thể hoạt động 14 giờ liên tục với khoảng cách bay 5.000 km. Galin 1 còn có khả năng phát hiện những khu vực cần tăng lượng mưa và độ ẩm.

Theo Bloomberg, Trung Quốc đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Một quan chức của chính quyền tỉnh Tứ Xuyên cho biết nhiệt độ ở tỉnh này đã đạt mức kỷ lục cao nhất trong 60 năm qua, nhiều ngày vượt trên 40 độ C, khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Nhiệt độ cao kéo dài suốt hơn 2 tháng đã khiến cho các sông và hồ lớn tại nước này dần khô cạn và làm gián đoạn nguồn cung điện.

Từ đầu tháng 8 năm nay, các nhà máy thủy điện ở Tứ Xuyên đã giảm công suất hoạt động đến 50%, Caixin cho biết. Điều này buộc nhiều tỉnh thành của Trung Quốc phải yêu cầu các nhà máy tạm ngừng sản xuất và cắt giảm tiêu thụ điện trong công nghiệp, gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất lớn, bao gồm một số đối tác của Apple và Toyota.

Cụ thể, theo nhà phân tích Ming-Chi Kuo của TF International Securities, việc ngừng hoạt động có thể ảnh hưởng đến các nhà máy lắp ráp iPad, bao gồm cơ sở của Foxconn ở Thành Đô và nhà máy của Compal ở Trùng Khánh.

Các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn như Intel của Mỹ, CATL của Trung Quốc cũng đang chịu chung sự ảnh hưởng. “Việc luân phiên sản xuất giữa các đối tác có thể làm giảm thiểu tác động của tình trạng mất điện”, chuyên gia chia sẻ.

Tên lửa tạo mây được phóng lên ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Tên lửa tạo mây được phóng lên ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng tình trạng tương tự có thể xảy ra trong vài tháng tới, ảnh hưởng đến lô hàng iPhone 14 trong mùa mua sắm cao điểm cuối năm.

Nhưng điều tích cực là tình trạng hạn hán năm nay vẫn không nghiêm trọng bằng năm ngoái, phạm vi khu vực cắt điện cũng nhỏ hơn, nhà kinh tế học Iris Pang cho biết. “Các nhà máy phải tạm ngừng hoạt động ở các thành phố trọng điểm. Điều này tạo điều kiện cho chính phủ vì nền kinh tế đang có dấu hiệu đi xuống”, chuyên gia nói.

Cập nhật: 30/08/2022 Zing
  • 150