Theo nguồn tin của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết với hy vọng phát động một "cuộc cách mạng" nghiên cứu không gian và sinh hóa ngoài vũ trụ có nhiều rủi ro, NASA đã thành lập một quỹ nghiên cứu khoa học có tên gọi "Quỹ Hành tinh Đỏ" (Red Planet Capital) với số vốn trong năm đầu là 75 triệu USD.
Theo các quan chức NASA, đây là lần thứ 3 Chính phủ Mỹ đồng ý rót vốn thử nghiệm cho một nghiên cứu mang tính rủi ro cao sau khi Bộ Quốc phòng và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) từng tài trợ các dự án tương tự. NASA là cơ quan dân sự đầu tiên của Mỹ được phép thực hiện dự án về lĩnh vực này.
"Bệ phóng biển" (Sea Launch) tại Thái Bình Dương bằng tên lửa đẩy Zenit-3SL của Nga
(Ảnh: www.planetarium)
Giám đốc dự án Quỹ Hành tinh Đỏ, bà Lisa L. Lockyer, cho biết ban lãnh đạo NASA ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng của dự án với mong muốn các chương trình nghiên cứu vũ trụ được xúc tiến nhanh hơn, tốt hơn và sáng tạo hơn trong những cuộc cách mạng công nghệ.
Quỹ Hành tinh Đỏ là một phần trong dự án thực hiện "Sáng kiến không gian" mà Tổng thống Mỹ George W. Bush đưa ra năm 2004, theo đó Mỹ sẽ tiếp tục đưa các nhà du hành vũ trụ trở lại Mặt Trăng vào năm 2020 và chuẩn bị khả năng đưa người lên Sao Hỏa vào những năm tiếp theo. Quỹ không chỉ đầu tư cho các công ty mũi nhọn thuộc NASA mà còn rót vốn cho các các dự án tư nhân để tạo sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các công ty. Mục tiêu đề ra của dự án là chinh phục Sao Hỏa trong tương lai.
* Trung tâm điều khiển dưới mặt đất của Nga ngày 31/10 cho biết vệ tinh viễn thông XM-4 của Mỹ đã được phóng thành công từ "Bệ phóng biển" (Sea Launch) tại Thái Bình Dương bằng tên lửa đẩy Zenit-3SL của Nga và Ucraina. XM-4 là vệ tinh viễn thông thứ tư được phóng lên từ "Bệ phóng biển" trong năm nay. Vệ tinh này sẽ truyền dẫn tín hiệu vô tuyến tại khu vực Mỹ, Canada và dự kiến hoạt động trong 15 năm.
"Bệ phóng biển", được xây dựng năm 1995, là công trình hợp tác giữa các tập đoàn của Nga, Mỹ, Na Uy và Ucraina.