Tất cả những con khỉ do NASA nuôi nhốt đã bị giết vào cùng một ngày trong năm 2019. Động thái khiến các nhà vận động bảo vệ quyền lợi động vật phẫn nộ.
Tổng cộng 27 con khỉ đã được tiêm thuốc trợ tử vào ngày 2/2/2019 tại trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở Thung lũng Silicon, bang California, Mỹ. Những con khỉ này đã già và 21 con trong số chúng mắc bệnh Parkinson, theo Guardian.
Quyết định giết động vật thay vì chuyển chúng đến một khu bảo tồn đã bị những người ủng hộ quyền động vật và những nhà quan sát khác lên án.
John Gluck, chuyên gia về đạo đức với động vật tại Đại học New Mexico, nói rằng các loài linh trưởng “đã phải chịu những thiệt thòi về tập tính và sự chán chường vì cuộc sống trong phòng thí nghiệm”. Ông tự hỏi những con khỉ nói trên “dường như không xứng đáng có được cơ hội sống trong khu bảo tồn” hay sao. “Thật xấu hổ cho những người có trách nhiệm”.
Kathleen Rice, Hạ nghị sĩ Mỹ, đã viết thư cho Jim Bridenstine, quản trị viên của NASA, để yêu cầu giải thích về cái chết của những con khỉ.
“Tôi mong đợi lời giải thích từ quản trị viên Bridenstine về lý do tại sao những con vật này bị trợ tử thay vì được sống hết đời trong một khu bảo tồn”, bà Rice nói với Guardian. Bà là người thúc đẩy chính quyền Mỹ xem xét “chính sách nghỉ hưu nhân đạo” đối với những động vật được sử dụng cho mục đích nghiên cứu.
27 con khỉ đã được tiêm thuốc trợ tử vào ngày 2/2/2019. (Ảnh: Getty).
NASA có một lịch sử lâu dài trong việc sử dụng các loài linh trưởng. Ham là một con tinh tinh được huấn luyện hàng ngày trước khi trở thành cá thể linh trưởng trưởng thành đầu tiên được phóng lên vũ trụ năm 1961. Nó đã thực hiện thành công sứ mệnh ngắn ngủi của mình trước khi được lao xuống đại dương một cách an toàn.
Nhưng 27 con khỉ được trợ tử vào năm ngoái đã không được sử dụng trong bất kỳ nhiệm vụ không gian nào hay thậm chí để nghiên cứu. Chúng được đưa đến trung tâm Ames theo thỏa thuận chăm sóc chung giữa NASA và LifeSource BioMedical - tổ chức nghiên cứu thuốc có thuê địa điểm tại trung tâm.
Stephanie Solis, Giám đốc Điều hành của LifeSource BioMedical, cho biết những con khỉ được trao cho phòng thí nghiệm nhiều năm trước sau khi không thể tìm thấy một khu bảo tồn cho chúng khi chúng đã tuổi cao, sức yếu.
“Chúng tôi đồng ý tiếp nhận và đã hoạt động như một khu bảo tồn, cung cấp mọi dịch vụ chăm sóc cho chúng bằng chi phí của chúng tôi. Cho đến khi chúng tuổi cao và sức khỏe giảm sút, dẫn đến quyết định trợ tử nhân đạo để tránh cho chúng một cuộc sống chất lượng kém”.
Trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ bắt đầu dần loại bỏ việc sử dụng các loài linh trưởng trong nghiên cứu. Năm 2015, Viện Y tế Quốc gia đã quyết định cho nghỉ hưu tất cả số tinh tinh phục vụ nghiên cứu y sinh.
Tuy nhiên, các phòng thí nghiệm khác vẫn tiếp tục sử dụng khỉ với số lượng lớn với kỷ lục 74.000 con trong các thí nghiệm vào năm 2017. Trong nghiên cứu các bệnh có ảnh hưởng đến con người, các nhà khoa học cho rằng linh trưởng có hiệu quả hơn các loài động vật khác, chẳng hạn như chuột.