NASA tìm ra lỗi trục trặc trên tàu vũ trụ cách 24 tỷ km

  •   52
  • 193

Tàu Voyager 1 truyền dữ liệu vô nghĩa từ cuối tháng 11 năm ngoái do một con chip trên tàu có thể bị hạt năng lượng cao va trúng.

Trong 5 tháng qua, tàu vũ trụ Voyager 1 truyền dữ liệu không thể đọc được về Trái đất. Trước đó, con tàu 46 năm tuổi gửi tín hiệu vô tuyến đều đặn khi trôi dạt ngày càng xa Hệ Mặt trời. Tuy nhiên, vào tháng 11/2023, tín hiệu đột nhiên bị sai lệch, có nghĩa các nhà khoa học không thể đọc bất kỳ dữ liệu nào từ tàu và họ không biết nguồn gốc trục trặc đến từ đâu.

Tàu Voyager 1 đang bay trong không gian liên sao.
Tàu Voyager 1 đang bay trong không gian liên sao. (Ảnh: NASA).

Trong tháng 3/2024, các kỹ sư NASA truyền tín hiệu nhắc lệnh cho tàu vũ trụ để lấy thông tin hiển thị từ hệ thống phụ dữ liệu bay (FDS) của tàu. Đó là hệ thống đóng gói dữ liệu khoa học và kỹ thuật của Voyager 1 trước khi truyền về Trái đất. Sau khi giải mã phản hồi của tàu, nhóm kỹ sư tìm ra nguồn gốc vấn đề nằm ở bộ nhớ của FDS bị hỏng, Live Science hôm 5/4 đưa tin.

"Nhóm kỹ sư nghi ngờ chip chịu trách nhiệm lưu trữ một phần bộ nhớ của FDS không hoạt động", NASA thông báo. "Các kỹ sư không thể xác định chắc chắn điều gì gây ra vấn đề. Có khả năng con chip bị va đập bởi hạt năng lượng cao từ vũ trụ hoặc đơn giản đã cũ kỹ sau 46 năm".

Dù cần vài tháng, những kỹ sư NASA có thể tìm ra cách chạy FDS mà không cần con chip bị cháy, khôi phục lại khả năng truyền tín hiệu của tàu, cho phép nó tiếp tục gửi thông tin đọc được từ ngoài Hệ Mặt trời.

Từ khi Voyager 1 phóng vào ngày 5/9/1977, con tàu đã bay xa khỏi Mặt trời ở tốc độ khoảng 17km/giây. Voyager 1 chính thức bay qua không gian liên sao vào năm 2012, trở thành tàu vũ trụ đầu tiên làm được điều này. Hiện nay, đây là vật thể nhân tạo ở xa Trái đất nhất.

Cập nhật: 08/04/2024 VnExpress
  • 52
  • 193