Nếu VINASAT không phóng đúng thời gian: Quỹ đạo tối ưu sẽ bị thu hồi

  •  
  • 177

Theo kế hoạch, đến quý II-2008, vệ tinh VINASAT của Việt Nam sẽ được phóng lên quỹ đạo. Chung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS - TS. Trần Mạnh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Công nghệ vũ trụ (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Ông Trần Mạnh Tuấn: Đáng ra vệ tinh VINASAT đã được phóng lên quỹ đạo từ năm 2005, tuy nhiên đến quý II - 2008, Việt Nam mới phóng vệ tinh này lên quỹ đạo. Chậm trễ này bắt nguồn từ việc đàm phán phối hợp tần số đã kéo dài nhiều năm.

Khi xây dựng báo cáo khả thi dự án VINASAT, các tính toán cho thấy nếu được đặt tại toạ độ 132o đông, vệ tinh VINASAT sẽ phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, các nước trong khu vực Đông - Nam Á và một phần lãnh thổ Trung Quốc, Nhật Bản.

Khi Việt Nam đăng ký vị trí 132o đông, thì tại vị trí 130o đông gần kề đã được quốc đảo Tonga đăng ký rồi (dù nước này chưa có vệ tinh), ta vẫn phải thương thảo với họ để phối hợp tần số, tránh nhiễu tín hiệu, và đã đàm phán xong.

Quỹ đạo tối ưu này sẽ thuộc về Việt Nam trong 15 năm. VINASAT hoạt động với điều kiện là vệ tinh của Việt Nam phải được phóng lên quỹ đạo trong quý II-2008. Nếu vì lý do nào đấy mà không phóng được vệ tinh thì vị trí 132o đông sẽ bị thu hồi. Hy vọng sẽ không có bất cứ trục trặc nào vì các nhà thầu chế tạo vệ tinh và phóng vệ tinh VINASAT đều có kinh nghiệm lâu năm và có uy tín quốc tế lớn trong ngành công nghiệp vũ trụ.

(Ảnh: VietNamNet)Hỏi: Ngoài vị trí 132o đông, trên quỹ đạo còn vị trí nào phù hợp việc phóng vệ tinh của Việt Nam?

Ông Trần Mạnh Tuấn: Năm 1996, Tổng cục Bưu điện đã đăng ký tám vị trí quỹ đạo. Nhưng vị trí tối ưu chắc chỉ có một, tùy theo các điều kiện ràng buộc ta mong muốn.

Hỏi: Vậy việc đăng ký tần số, hiện chúng ta đã thực hiện chưa?

Ông Trần Mạnh Tuấn: Khi nào báo cáo khả thi được phê duyệt mới làm thủ tục đăng ký.

Hỏi: Tại sao các nước chưa có kế hoạch phóng vệ tinh mà họ đã nhanh chân đăng ký còn chúng ta lại quá chậm trễ?

Ông Trần Mạnh Tuấn: Một vài nước nhỏ làm điều này để phòng xa hay để kinh doanh. Tuy nhiên việc cấp vị trí quỹ đạo cũng có thời hạn, nếu chỉ giữ chỗ mà không phóng vệ tinh thì sau một thời gian quy định, vị trí quỹ đạo đó sẽ bị thu hồi như đã nói ở trên. So với kế hoạch ban đầu, Dự án VINASAT chậm mất ba năm. Vì ta chưa có kinh nghiệm, nên việc chậm trễ này khó tránh khỏi.

Hỏi: Trong chiến lược "Nghiên cứu và phát triển công nghệ vũ trụ đến năm 2020", có đề cập đến việc sử dụng quỹ đạo không thưa ông?

Ông Trần Mạnh Tuấn: Vấn đề sử dụng quỹ đạo chỉ là một bộ phận của vấn đề khuôn khổ pháp lý sử dụng khoảng không vũ trụ. Theo tôi vấn đề là ở chỗ lâu nay ta quan niệm vũ trụ là quá xa vời, không nghĩ rằng vũ trụ cũng là một tài nguyên quý như đất đai và biển cả, có thể sinh lời nếu biết khai thác bằng công nghệ cao. Sự kiện Chính phủ Việt Nam phê duyệt "Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020" tháng 6-2006 là một mốc đánh dấu sự thay đổi về nhận thức. Hơn nữa cách thức Chính phủ chỉ đạo dự án VINASAT cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc xác định chủ quyền của Việt Nam trong vũ trụ. Để bảo vệ chủ quyền đó, Việt Nam cần phải tham gia tích cực vào dự luật quốc tế về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục tiêu hoà bình. Điều này, trong chiến lược đã đề cập tới.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Khoa Sơn - Phó Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam:

Chúng ta đều biết, đến năm 2008 Việt Nam sẽ phóng vệ tinh viễn thông VINASAT lên quỹ đạo, tuy nhiên quỹ đạo tối ưu nhất mà chúng ta định sử dụng thì đã có một nước khác đăng ký từ trước. Do họ chiếm giữ quỹ đạo rồi nên muốn phóng vệ tinh lên đấy chúng ta phải thương lượng rất phức tạp, thậm chí phải tốn kém nhiều chi phí. Điều này đã cho thấy tầm quan trọng của các khuôn khổ pháp lý trong việc sử dụng khoảng không vũ trụ.

Theo tôi được biết, việc nghiên cứu và xây dựng các hành lang pháp lý cho hoạt động vũ trụ của Việt Nam chỉ mới bắt đầu. Tiến tới, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ giao cho Viện Công nghệ vũ trụ (CNVT) đặt quan hệ với một số nước, đặc biệt là những nước có lĩnh vực CNVT phát triển, để học tập những văn bản pháp lý của họ về lĩnh vực quản lý hoạt động vũ trụ, hoặc các vấn đề liên quan đến ứng dụng CNVT để kiến nghị với Nhà nước xây dựng các văn bản liên quan. Chắc chắn công việc quan trọng này sẽ được sự chỉ đạo của Ủy ban Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ do Thủ tướng Chính phủ thành lập trong thời gian tới.

Theo Nông thôn ngày nay, Nhân dân
  • 177