Từng đối đầu nhau trong việc sử dụng đầu đạn hạt nhân, nhưng hiện cả Mỹ và Nga đã quyết định sẽ bắt tay hợp tác để phát triển vũ khí nguyên tử chống lại hiểm họa từ các thiên thạch đe dọa Trái đất.
>>> NASA vẫn tiếp tục săn lùng thiên thạch nguy hiểm
Mới đây, hai cường quốc Nga và Mỹ đã ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân và cùng nghiên cứu, phát triển công nghệ để tạo ra "các lá chắn quốc tế", bảo vệ Trái đất trước sự tấn công của các thiên thạch trong tương lai. Theo giới quan sát, văn bản này đã cung cấp khung pháp lý cần thiết để mở rộng sự hợp tác giữa các phòng nghiên cứu hạt nhân của Nga và Mỹ.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện hơn 10.000 thiên thạch đang dịch chuyển trong quỹ đạo có thể đưa chúng tiến sát gần hơn hoặc va chạm với Trái đất. (Ảnh: thecelestialconvergence.blogspot.com)
Ý tưởng cho sự hợp tác song phương như trên đã có từ năm 1995, khi các chuyên gia thiết kế hạt nhân của Liên Xô và Mỹ hội kiến để thảo luận về mối đe dọa tiềm tàng của thiên thạch và cách công nghệ có thể ngăn chặn hiểm họa ấy. Kể từ đó, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện hơn 10.000 thiên thạch đang dịch chuyển trong quỹ đạo có thể đưa chúng tiến sát gần hơn hoặc va chạm với Trái đất.
Khoảng 9% trong số các thiên thạch này được cho là có chiều dài hơn 900 mét, theo trang The Atlantic. Một thiên thạch nguy hiểm nhất, dự đoán cứ 700.000 năm - 100 triệu năm mới tấn công một lần, có thể tàn phá Trái đất, tương tự như cách thiên thạch đã "xóa sổ" loài khủng long trên hành tinh của chúng ta cách đây 65 triệu năm.
Tuy nhiên, cách chuyên gia cảnh báo, ngay cả các thiên thạch có kích thước nhỏ hơn, chỉ khoảng 140 - 966 mét cũng có thể san phẳng nhiều thành phố hoặc gây hủy hoại diện rộng.
Cách đây 2 năm, chuyên gia vật lý kiêm nhà thiết kế vũ khí hạt nhân David Dearborn thuộc phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore ở California, Mỹ đã nhận được tài trợ không giới hạn cho công trình nghiên cứu cách thức sử dụng vũ khí chống thiên thạch. Công trình của ông Dearborn được thực hiện song song với nghiên cứu của phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, nơi đang chuyên trách việc thiết kế vũ khí hạt nhân của Mỹ.