Nghiên cứu động thực vật hoang dã trên diện rộng ở Madagascar nhằm thiết lập bản đồ chỉ dẫn bảo tồn

  •  
  • 1.667

Một nhóm nghiên cứu quốc tế mới đây đã tạo ra một tấm bản đồ chỉ dẫn mới nhằm tìm kiếm và bảo vệ hàng ngàn loài động vật quý hiếm còn lại chỉ sống ở Madagascar – được coi là một trong những điểm nóng về đa dạng sinh thái trên thế giới.

Chiến lược bảo tồn của nhóm nghiên cứu do các nhà sinh học bảo tồn thuộc Đại học California (Berkeley) dẫn đầu không chỉ bao gồm loài vượn cáo – những con vật thuộc họ linh trưởng có mắt to được lấy làm hình ảnh để quảng bá cho chiến dịch bảo tồn – bên cạnh đó còn có các loài kiến, bướm, ếch, thằn lằn và thực vật.

Tổng cộng có hơn 2.300 loài chung sống trên một diện tích rộng lớn của quốc đảo Madagascar – 226.642 dặm vuông (tương đương với 587.000 kilomet vuông) – trên biển Ấn Độ. Tất cả chúng đều được đưa vào phân tích.Việc tập trung và phân tích một khối lượng dữ liệu lớn nhằm phát triển một tấm bản đồ chỉ dẫn bảo tồn những loài cần được ưu tiên nhất là một thử thách lớn chưa từng có. Kết quả được giải trình trên số ra ngày 11/04 trên tờ Science.

Đầu tiên đông đảo các nhóm nghiên cứu đã đi thu thập thông tin cụ thể để xác định được vị trí chính xác của hàng ngàn loài động vật và thực vật trên đảo. Họ sử dụng một phần mềm đặc biệt được viết cho dự án này cùng với sự hỗ trợ của một nhà nghiên cứu khoa học máy tính tại AT&T để ước tính lãnh thổ chính xác của mỗi loài. Một phần mềm tối ưu khác cũng dành riêng cho dự án do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Helsinki Phần Lan phát triển được sử dụng nhằm tìm ra khu vực thích hợp nhất để duy trì số lượng lớn các loài. Những loài chịu nhiều tổn thất khi mất môi trường sống do chặt phá rừng được ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch bảo tồn vì chúng có nguy cơ tuyệt chủng lớn hơn.

Claire Kremen – trợ lý giáo sư khoa sinh học bảo tồn và cũng là một nhà nghiên cứu chỉ đạo dự án – cho biết: “Chưa bao giờ các nhà sinh học cũng như những người hoạch định chính sách lại có được những công cụ nhằm phân tích một số lượng lớn các loài ở thang tỉ lệ nhỏ trên một khu vực địa lý rộng lớn đến thế. Các phân tích của chúng tôi đưa ra thông tin về khả năng của chiến dịch bảo tồn đồng thời giúp những người đưa ra quyết định xác định được địa bàn quan trọng nhất cần phải bảo vệ”.

Nghiên cứu của nhóm đã chứng minh rằng nếu chỉ dựa vào một loài đơn lẻ để thực hiện chiến dịch bảo tồn thì sẽ không thể bảo vệ được các loài khác.

Kremen đang thực hiện dự án này cùng với Hội bảo tồn động thực vật hoang dã tại New York nơi bà làm việc với tư cách một nhà bảo vệ môi sinh. Bà nói rằng: “Việc duy trì đa dạng sinh học dưới những áp lực vô cùng nặng nề như môi trường sống bị hủy hoại hay sự nóng lên toàn cầu là một trong những thử thách môi trường lớn nhất đối với loài người ở thế kỉ 21. Chiến dịch bảo tồn trước đây thường chỉ tập trung bảo vệ một loài hay một nhóm loài từng thời điểm một. Nhưng trong cuộc chạy đua với sự tuyệt chủng của các loài mà áp dụng phương pháp đó thì chúng tôi sẽ không thể nào chiến thắng”.

Theo ước tính, một nửa số loài thực vật và ¾ các loài động vật có xương sống trên thế giới tập trung ở những điểm nóng về đa dạng sinh thái chỉ chiếm có 2,3% diện tích bề mặt Trái đất. Madagascar – quốc gia đang phát triển nằm ngoài khơi bờ biển phía nam của châu Phi – là một trong những khu vực đa dạng sinh thái quý giá nhất.

Có khoảng 80% số loài động vật ở Madagascar không sinh sống ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Một nửa số loài tắc kè cũng như tất cả các loài vượn cáo là đặc hữu của hòn đảo này. Chúng được gắn kết với nhau bởi các loài thực vật, côn trùng, chim, động vật có vú, bò sát và ếch nhái chỉ có ở Madagascar.

Đồng tác giả của nghiên cứu là David Vieites – hậu tiến sĩ thuộc Bảo tàng động vật có xương sống, khoa sinh học thống nhất tại Đại học California, Berkeley – cho biết: “Đa dạng sinh học ở Madagascar vẫn chưa được tìm hiểu cặn kẽ mặc dù đã có rất nhiều loài được phát hiện và có nhiều khám phá mỗi năm. Ví dụ như, khi nghiên cứu của chúng tôi được tiến hành từ ba năm trước có khoảng 50 loài lưỡng cư mới được phát hiện. Thật đáng buồn vì môi trường sống của chúng đang bị hủy hoại nghiêm trọng, nên rất nhiều loài sẽ tuyệt chủng trước khi các nhà khoa học kịp tìm hiểu về chúng”.

Loài vượn cáo lông mượt phương Tây thường sống ở những cánh rừng khô rụng lá sớm ở phía tây Madagascar. (Ảnh: Edward E. Louis Jr.)

Madagascar chỉ mới được chú ý đến từ năm 2003 khi chính phủ quốc gia này tuyên bố mục tiêu tham vọng về việc mở rộng gấp ba lần mạng lưới diện tích được bảo vệ hiện có từ 5 triệu lên đến 15 triệu hecta (từ 20.234 đến 60.700 kilomet vuông), chiếm khoảng 10% tổng diện tích của quốc gia này. Alision Cameron – nhà nghiên cứu đồng chỉ đạo dự án và là hậu tiến sĩ tại khoa Khoa học môi trường, quản lý và chính sách thuộc Đại học California (Berkeley) – cho biết: “Madagascar là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới nên đã khiến cho lời cam kết bảo vệ đa dạng sinh học của chính phủ đáng chú ý hơn. Những người đứng đầu chính phủ đã có một cái nhìn rất tiến bộ về phát triển kinh tế xã hội, trong đó môi trường tự nhiên được coi là nguồn lợi vô giá”.

Tài trợ cho dự án này gồm có Quỹ MacArthur, Đại học California Berkeley và Hiệp hội bảo tồn động thực vật hoang dã. Đại diện của các tổ chức đã phối hợp cùng quan chức chính phủ đưa những kết quả nghiên cứu vào các chính sách bảo tồn. Hiệp hội bảo tồn động thực vật hoang dã mới đây cũng đã thành lập thêm một số khu bảo tồn trên địa bàn quốc gia.

Một nhóm đông đảo gồm 22 nhà nghiên cứu thuộc các bảo tàng, vườn thú, vườn mẫu cây, các Đại học, các tổ chức phi chính phủ và công nghiệp đã đóng góp cho dự án nghiên cứu mới mẻ này. Bên cạnh đó, tác giả nghiên cứu cũng nhận được sự hỗ trợ từ 62 cộng tác viên tham gia vào một nhóm nghiên cứu khác có số lượng thành viên lớn hơn nhận nhiệm vụ thu thập dữ liệu cho dự án.

Một tác giả khác liên kết với Đại học California Berkeley là Brian Fisher – trợ giáo khoa Khoa học môi trường, chính sách và quản lý đồng thời là giáo sư côn trùng học tại Học viện khoa học California.

Để có được phân tích chính xác, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kho dữ liệu quý giá do các nhà sinh học đầy nhiệt huyết đi khắp Madagascar để thu thập qua nhiều thập kỉ.

Kremen phát biểu: “Chỉ riêng việc nhận dạng loài sống trên đảo và xác định nơi chúng cư trú đã rất khó khăn. Địa hình nơi đây khá gồ ghề, ít đường đi. Chúng tôi thường phải đi bộ đến 18 dặm (30 cây số) để đến địa điểm trú chân. Khi đến nơi, chúng tôi sống trong một cái lều hàng tháng trời với những con vắt rập rình xung quanh, chịu đựng những trận mưa rừng xối xả, ăn cơm và đậu để có thể ghi lại thông tin về các loài động thực vật trên một địa bàn cụ thể. Đây quả thực là một kết quả gian nan”.

Nguồn tư liệu phong phú đã giúp các nhà nghiên cứu định vị được môi trường sống của 2.300 loài trên mỗi cây số vuông của quốc đảo. Cũng theo Kremen – người đã bỏ ra gần tám năm chỉ để thu thập dữ liệu chuyên môn ở Madagascar: “Chúng tôi đã phải mất nhiều năm của cuộc đời để thu thập những thông tin này. Đôi khi mọi người còn băn khoăn không hiểu tại sao chúng tôi lại làm thế. Nhưng thật vui mừng vì những thông tin đó đã giúp chúng tôi ghi tên một số loài lên tấm bản đồ nhằm bảo vệ chúng”.

Dựa vào nghiên cứu này, một số khu vực đã khiến mọi người kinh ngạc khi lọt vào danh sách những vùng ưu tiên bảo tồn, như những cánh rừng ven biển, những dãy núi trung tâm với mật độ tập trung các loài đặc hữu rất lớn. Theo các nhà nghiên cứu, những khu vực đó trước đây đều bị sao lãng mà thay vào đó những cánh rừng lớn lại được quan tâm nhiều hơn.

Cameron – cố vấn kĩ thuật của Hiệp hội bảo tồn động thực vật hoang dã và chính phủ Madagascar – cho biết: “Ban đầu chiến dịch bảo tồn tập trung vào tìm hiểu liệu những loài được bảo vệ có nằm trong khu vực định trước hay không, nhưng khu vực đó có thể chỉ là nơi cư trú của một số lượng nhỏ các loài và không có khả năng phát triển trong kế hoạch dài hạn. Ngược lại, phân tích của chúng tôi đi sâu hơn nhờ cực đại hóa tỉ lệ các loài để chúng có thể được bảo vệ ở mức cao nhất trong phạm vi 15 triệu hecta mà chính phủ đặt ra. Đây là một biến đổi lớn về phương pháp nhờ có những tiến bộ trong công nghệ máy tính cho phép chúng tôi tập trung một lượng lớn dữ liệu và phân tích tổng thể”.

Các nhà khoa học cũng cho biết nguồn thông tin phong phú như thế cũng tồn tại ở các khu vực khác trên thế giới và phương pháp phân tích của họ cũng có thể được áp dụng dễ dàng đối với các khu vực được ưu tiên bảo tồn.

Quốc đảo Madagascar

Madagascar là một quốc đảo nằm cách bờ biển phía đông châu Phi 200 dặm. Do cách biệt với các vùng đất khác hơn 160 triệu năm, nên ở đây có một số lượng cực lớn các loài động thực vật đặc hữu mà không một nơi nào khác trên Trái đất có được. Gần 13.000 loài thực vật và động vật có xương sống chỉ có ở Madagascar, trong đó trên 90% là bò sát, lưỡng cư và động vật có vú.

Trà Mi (Theo ScienceDaily)
  • 1.667