Chúng thông minh hơn những gì con người đã từng nghĩ. Đó là sự thật được khoa học chứng minh.
*Bài viết dựa trên quan sát của Alex Taylor, giảng viên ĐH Auckland (New Zealand)
Vào một ngày của năm 2002, mọi quan niệm về hành vi của các loài chim trong Alex Taylor đã thay đổi. Cô quan sát thấy Betty - một cô quạ cái thuộc giống New Caledonia - tạo ra cái móc từ vài cọng dây thép để câu miếng thịt trong ống nghiệm.
Trên thực tế, khoa học từ lâu đã xác nhận quạ và vẹt là các loài chim thông minh bậc nhất thế giới. Nhưng sự thông minh của chúng đến mức nào? Như quạ, chúng tư duy như thế nào, và khả năng ấy đến đâu?
Và trong một nghiên cứu mới đây, Taylor đã có được một vài câu trả lời. Hóa ra, loài quạ thậm chí còn thông minh hơn những gì con người đã nghĩ.
Theo Taylor, giống quạ New Caledonia từ lâu đã thể hiện những hành vi cho thấy trí tuệ vượt trội so với các loài chim nói chung. Tuy nhiên, việc xác nhận được chúng có thể tư duy đến mức độ nào thì chưa bao giờ làm được cả.
Giống quạ New Caledonia từ lâu đã thể hiện những hành vi cho thấy trí tuệ vượt trội so với các loài chim nói chung.
Trong quá khứ, đã từng có thí nghiệm cho quạ giải đố bằng một chuỗi các hành động nối tiếp nhau. Và để hiểu được hành vi của chúng thì bạn cần hiểu rằng việc lên kế hoạch có 2 loại: "trực tuyến" (online planning) và "lập trước" (preplanning).
Loại trực tuyến ở đây không liên quan gì đến Internet. Đó là dạng lên kế hoạch theo kiểu ứng biến, chẳng hạn một con chim sẽ bay đến cành cây, nhận diện hiệu ứng xảy ra, và bắt đầu thực hiện bước tiếp theo. Còn "lập trước" thì giống như chơi cờ, khi đi một nước bạn phải nghĩ đến 2 - 3 nước kế tiếp.
Sau khi chứng kiến Betty tạo ra cây móc, Taylor cùng các cộng sự đã dành cả chục năm để nghiên cứu, và cuối cùng họ đã có thể thử nghiệm kiểm tra khả năng lên kế hoạch của loài quạ này.
Những con quạ tham gia thí nghiệm phải đối mặt với một chuỗi vấn đề. Mục tiêu của thí nghiệm là lấy được thịt, trong đó quạ phải sử dụng một cây que ngắn để moi đá từ một ống nghiệm, rồi thả cục đá vào một ống khác để mở cánh cửa sập để lấy thịt.
Thí nghiệm còn có một ống nghiệm khác chứa một cây que dài hơn, với mục đích làm nhiễu thông tin của quạ. Các vấn đề cần giải quyết sẽ bị ngăn bằng vách gỗ, đòi hỏi con chim phải nhớ chính xác nơi nó thấy dụng cụ đúng mới có thể làm được.
Sơ đồ thí nghiệm.
Ngoài ra để tăng độ khó, 2 ống chứa các cây que sẽ bị đổi chỗ sau mỗi lần thử. Có nghĩa, con quạ phải hiểu được nó đang làm gì thì mới giải quyết được vấn đề.
Và kết quả thì đoán xem, lũ quạ giải quyết vấn đề một cách khá nhanh chóng. Trong đó, có một con không phạm phải bất kỳ sai lầm nào.
Bước 1: Lấy que
Bước 2: Đẩy hòn đá ra
Bước 3: Lấy đá thả vào cửa sập để thịt rơi
Kết quả của thí nghiệm cho thấy loài quạ New Caledonia có khả năng lên kế hoạch trước 3 bước cho tương lai. Và điều này kéo theo khá nhiều ý tưởng khác về hành vi của loài vật này.
Trước đây, vẹt New Caledonia khiến giới khoa học quan tâm, vì chúng là ví dụ cho thấy quá trình tiến hóa để sử dụng công cụ của các loài sinh vật. Còn nay, câu chuyện còn trở nên thú vị hơn, vì nó là sự tiến hóa để lên kế hoạch.
Cần biết rằng, lên kế hoạch là khả năng tuyệt vời nhất mà con người sở hữu. Bằng cách kết hợp các công cụ, chúng ta có thể làm được những việc không tưởng, và từ đó xây dựng nên một xã hội hiện đại ngày nay.
Vấn đề là ở chỗ khả năng kết hợp này vốn tưởng chỉ xuất hiện ở con người. Còn nay, chúng ta xác định được một loài vẹt vừa có thể dùng công cụ, vừa lên được kế hoạch. Nhờ vậy, khoa học sẽ có nhiều thông tin hơn về câu chuyện và quá trình tiến hóa của chính chúng ta.