Những người nói tiếng Nga bản địa phân biệt màu xanh sẫm và xanh nhạt khác biệt so với người nói tiếng Anh. Một nghiên cứu mới đây về sự cảm nhận màu sắc đã cho thấy ngôn ngữ bạn nói có thể ảnh hưởng tới cách bạn nhìn thế giới.
Trong tiếng Nga không có từ riêng biệt cho "màu xanh", mà luôn phân tách rõ giữa 2 màu xanh nhạt, đọc là "goluboy", với màu xanh sẫm, đọc là "siniy". Nhà nghiên cứu Jonathan Winawer ở Mỹ đã tìm hiểu liệu sự phân biệt ngôn ngữ này có ảnh hưởng tới sự cảm nhận màu sắc.
Nhóm đã tuyển 50 người đến từ Boston ở Massachusetts, Mỹ, trong đó gần một nửa là người nói tiếng Nga bản địa. Những người tham gia được xem 3 hình vuông màu xanh lơ trên một màn hình và phải chỉ ra hình vuông nào ở phía trên trùng khớp về màu sắc với một trong 2 hình ở phía dưới. Tổng cộng có 20 sắc màu xanh lơ khác nhau.
Người tham gia sẽ làm 2 bài kiểm tra. Bài thứ nhất, cả 3 hình vuông đều có sắc màu tương tự nhau. Còn bài thứ 2 có một hình vuông mang màu khác biệt, chẳng hạn, màu xanh sẫm so với các màu xanh nhạt hơn.
Người tham gia thí nghiệm phải chọn 1 trong 2 hình vuông hàng dưới trùng với hình vuông ở hàng trên. (Ảnh: Newscientist) |
Người nói tiếng Anh phân biệt màu xanh sẫm với xanh nhạt không khá gì hơn so với khi họ nhận ra 2 màu xanh giống nhau. Còn người nói tiếng Nga nhanh hơn 10% khi phân biệt màu xanh nhạt (goluboy) với màu xanh sẫm (siniy), so với khi phân biệt 2 màu xanh cùng thể loại.
"Đây là lần đầu tiên bằng chứng cho thấy sự khác biệt ngôn ngữ liên quan tới sự cảm nhận màu sắc ở con người", Winawer nói.
Hơn thế nữa, khi người nói tiếng Nga buộc phải ghi nhớ một con số có 8 chữ số trong khi làm bài kiểm tra về màu sắc, họ lại phân biệt màu xanh sẫm và xanh nhạt không khá gì hơn khi so sánh 2 màu giống nhau. Winawer tin rằng đó là bởi việc phải tập trung để ghi nhớ con số đã tác động tới năng lực ngôn ngữ trong não và loại bỏ lợi thế mà tiếng Nga mang lại trong việc phân biệt màu xanh sẫm và xanh nhạt.
M.T.