Ngư lôi Mk.14 - Nỗi hổ thẹn của Hải quân Mỹ trong thế chiến thứ Hai

  •   32
  • 987

Không đâm trúng mục tiêu, đâm vào mục tiêu nhưng không phát nổ và đôi khi bắn chìm chính tàu ngầm Mỹ là một vài trong số nhiều vấn đề mà loại ngư lôi Mk.14 này gặp phải trong thế chiến thứ Hai.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Hải quân Mỹ đã có trong tay một số loại vũ khí tiên tiến nhất vào lúc đó, như đạn pháo với kíp nổ tầm gần, cho phép phát nổ ở một khoảng cách nhất định trước khi chạm đến mục tiêu. Nhưng họ cũng có một bí mật đáng xấu hổ: nhiều quả ngư lôi của họ phát nổ quá sớm, hoặc lặn xuống quá sâu bên dưới mục tiêu mà không phát nổ, hoặc thậm chí có thể bơi vòng lại để bắn vào chính tàu của Hải quân.

Phần lớn các vấn đề với ngư lôi này tập trung quanh loại ngư lôi Mk.14. Vào thời điểm đó, nó từng được xem như loại vũ khí chống thủy cơ tiên tiến nhất và đáng sợ nhất trong hạm đội Mỹ. Sử dụng động cơ turbine hơi, chúng có thể di chuyển một quãng đường dài hơn 8 km với tốc độ đến hơn 85km/h, sau đó có thể đánh chìm tàu địch với hơn 290kg sức công phá cực mạnh của thuốc nổ.

Tổng thống Franklin D. Roosevelt và các quan chức khác kiểm tra các ngư lôi
Tổng thống Franklin D. Roosevelt và các quan chức khác kiểm tra các ngư lôi tại căn cứ tàu ngầm ở New England, Connecticut năm 1940.

Trong các bài test và theo lý thuyết cho thấy loại ngư lôi này có thể phá vỡ sống tàu địch, xé toang nó ra làm đôi hoặc tạo một lỗ hổng lớn trên thành tàu, và nhanh chóng nhấn chìm nó xuống đáy biển.

Vì vậy, các chỉ huy tàu ngầm Mỹ đã lấp đầy loại ngư lôi Mk.14 trên các con tàu của họ khi ra khơi. Dường như các chỉ huy này ưa thích sử dụng tối đa các khẩu súng trên boong tàu hơn, khi họ chỉ có thể mang theo một số lượng giới hạn các ngư lôi và chúng có giá đến 10.000 USD mỗi quả (tương đương 171.000 USD ngày nay).

Nhưng khi tình huống chiến thuật cần đến một quả ngư lôi, ví dụ như khi đối mặt với tàu khu trục hoặc cần tấn công bất ngờ một con tàu vận tải, các chỉ huy thường sẽ bắn một vài quả ngư lôi và ngắm nhìn màn diễn của chúng.

Hiệu quả trong thực tế chiến đấu

Đến khi Đô đốc Harold Rainsford Stark phát động cuộc chiến tàu ngầm không giới hạn, các chỉ huy tàu ngầm nhanh chóng báo cáo về nhiều vấn đề với vũ khí của họ. Trong khi Cục quân khí (Bureau of Ordnance) của Hải quân Mỹ cho rằng các vũ khí hoạt động với hiệu quả 98%, các chỉ huy tàu ngầm lại đưa ra các kết quả khác xa hoàn toàn.

Đại úy Theodore Westfall và Đại úy Carl Bushnell thuộc Cục quân khí kiểm tra ngư lôi Mark 14 năm 1943.
Đại úy Theodore Westfall và Đại úy Carl Bushnell thuộc Cục quân khí kiểm tra ngư lôi Mark 14 năm 1943.

Trong một trường hợp đáng kể nhất, một chỉ huy tàu ngầm cho biết đã bắn gần như toàn bộ 16 quả ngư lôi của mình. Trong số 15 quả bắn đi, 12 quả trúng mục tiêu và chỉ duy nhất một quả phát nổ. Ngay cả như vậy, nó cũng không còn tác dụng gì nữa. Tàu của Nhật lúc đó đã rời đi với thiệt hại tối thiểu.

Trong một trường hợp khác, tàu USS Seawolf đã bắn 4 quả ngư lôi Mk.14 vào một tàu vận tải của Nhật mà không có thiệt hại gì. Trên tàu của vị chỉ huy đó còn ó 10 quả ngư lôi Mk.10 khác, loại vũ khí từ thời Thế chiến thứ nhất đang bị thay thế bằng Mk.14. Sau đó, Thiếu tá Hải quân (Lieutenant commander) Frederick B. Warder ra lệnh đặt các quả ngư lôi lỗi thời đó vào ống phóng. Ngay phát bắn đầu tiên đã trúng vào đuôi tàu mục tiêu và quả ngư lôi thứ hai đã đánh chìm tàu địch.

Đây không phải vấn đề đầu tiên mà chiếc USS Seawolf gặp phải với Mk.14. Trong 6 chuyến tuần tiễu trước đó trong vành đai của mình, tất cả đều gặp vấn đề về ngư lôi, bao gồm cả một lần họ bắn 8 quả Mk.14 vào mục tiêu, nhưng 7 phát bắn trượt và một phát không nổ.

Tàu ngầm USS Seawolf.
Tàu ngầm USS Seawolf.

Thậm chí, một số tàu Nhật còn cho biết họ về đến cảng với những quả ngư lôi Mk.14 vẫn còn cắm ở đuôi tàu. Con tàu đã trúng phải một phát bắn trực diện, nhưng đầu nổ của nó đã không phát nổ.

Tồi tệ hơn, loại ngư lôi Mk.14 còn có một hiện tượng kỳ lạ khác: Nó thường phát nổ đúng cách khi chạy vòng tròn – tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Việc chạy vòng tròn thường xảy ra khi ngư lôi đi theo một đường vòng cung thay vì một đường thẳng. Có thể một lực kéo, lực đẩy hoặc một chỗ cong vênh nào đó trên ngư lôi đã gây ra hiện tượng này. Và đúng như tên gọi của mình, nó có thể đưa ngư lôi đi một vòng tròn, trở lại đúng vị trí ban đầu.

Vấn đề được mô tả chi tiết đến 24 lần, khi nó đánh chìm hai tàu ngầm Mỹ và buộc 22 tàu ngầm khác phải tránh né vũ khí mà chính nó vừa phóng đi.

Vấn đề nằm ở đâu?

Cục quân khí chậm chạp đánh giá vấn đề này, mất thêm một thời gian nữa mới tìm ra giải pháp dứt khoát cho điều đó. Vì vậy, trong vòng hai năm chờ đợi đó, các tàu ngầm vẫn tiếp tục phải tuần tiễu với các vũ khí bị lỗi, có thể lặn ngay xuống dưới mục tiêu, xuyên qua nó mà không phát nổ hoặc thậm chí đánh chìm tàu ngầm của chính Hải quân Mỹ.

Mặt cắt ngang của ngư lôi Mk.14.
Mặt cắt ngang của ngư lôi Mk.14.

Nhưng cuối cùng Hải quân cũng tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Việc chạy vòng tròn là do con quay hồi chuyển bị lỗi và nó không thể di chuyển theo đường thẳng. Ngư lôi đôi khi lặn sâu xuống dưới mục tiêu bởi vì các ngư lôi đã được kiểm tra với thiết bị đo độ sâu bị lỗi và với các đầu nổ không phản ánh sức nổ thực sự của nó. Những lần ngư lôi không phát nổ có nguyên nhân từ sai sót trong các đầu dò từ tính và cơ học.

Trên thực tế, việc sai sót trong các thiết bị dò cơ học là một vấn đề đã được các chỉ huy tàu ngầm lo ngại từ lâu khi nhiều năm trước đây, họ đã nói rằng, vấn đề thực sự là các ngư lôi đều bắn vào mục tiêu với các góc kém hiệu quả, trong khi góc 90 độ mang lại cú bắn hiệu quả nhất. Trên thực tế, các lỗi cơ khí phổ biến nhất là việc xác định chính xác góc 90 độ, với số lần xác định sai chiếm đến 70% thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Cho đến thời điểm đó, ngư lôi Mk.14 đã được trang bị trong hạm đội gần 20 năm, vì vậy chắc chắn các sai sót này đã được phát hiện ra trước đây. Nhưng vì nó được phát triển trong thời kỳ Đại Suy thoái, khi mà nguồn ngân sách eo hẹp đã hạn chế rất nhiều số lượng các bài kiểm tra và thử nghiệm mà những nhà khoa học và các kỹ sư muốn làm.

Tàu khu trục của Nhật bị ngư lôi Mỹ bắn chìm vào tháng 6 - 1942.
Tàu khu trục của Nhật bị ngư lôi Mỹ bắn chìm vào tháng 6/1942. (Ảnh được chụp thông qua kính tiềm vọng của tàu ngầm USS Wahoo).

Cuối cùng thay đổi đã được đưa ra. Các quả ngư lôi đã được cân chỉnh lại ở độ sâu thích hợp và các đầu dò từ trường đã được loại bỏ hoàn toàn. Sai sót trong các đầu dò cơ khí do các chốt bắn quá nặng đã làm nó không thể có được động lực chính xác khi ngư lôi hoạt động ở tốc độ tối đa. Do vậy, các chốt này đã được thay bằng loại hợp kim nhẹ hơn.

Trớ trêu thay, loại hợp kim này lại được khám phá ra nhờ vào một chiếc máy bay Nhật bị bắn hạ trong trận Trân Châu Cảng. Nó sửa được các vấn đề về đầu dò cơ khí trong loại ngư lôi Mk.14, cho phép quả ngư lôi có thể phát nổ bất kể góc tấn công là gì.

Những thay đổi này đã đưa Mk.14 từ một trong những loại vũ khí vô dụng nhất của Thế chiến thứ 2 lên thành loại vũ khí có thời gian phục vụ lâu hàng đầu. Nó tiếp tục được sử dụng đến năm 1980, thời điểm cao trào của Chiến tranh Lạnh.

Cập nhật: 25/03/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 32
  • 987