Nếu thời gian học bắt đầu muộn hơn, học sinh sẽ được ngủ nhiều hơn và kết quả học tập của các em cũng tăng theo.
Theo một nghiên cứu vừa được công bố, việc bắt đầu học trễ có thể giúp một số học sinh hoàn cảnh khó khăn đạt điểm cao hơn. Kết quả này củng cố thêm nhận định rằng người lớn đang bắt trẻ em thức dậy quá sớm.
Các chuyên gia về giấc ngủ từ lâu đã cho biết thanh thiếu niên có xu hướng dậy muộn và cần ngủ khoảng 10 giờ mỗi đêm, so với khoảng 8 giờ ở người lớn. Vì vậy, Học viện Nhi khoa Mỹ nói thời gian học sớm là một vấn đề đối với sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến thành công trong học tập.
Ngủ nhiều sẽ giúp học sinh đạt kết quả tốt hơn. (Ảnh: Florida Prepaid College).
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học tại trường Đại học Washington đã theo dõi thời gian ngủ của học sinh tại các trường trung học ở Seattle trước và sau khi thời gian bắt đầu buổi học thay đổi từ 7h 50 sáng thành 8h 45 sáng.
Sử dụng vòng đeo cổ tay để giám sát hoạt động, họ nhận thấy thời gian học muộn hơn giúp cho các em được ngủ nhiều hơn, không như nhiều người vẫn nghỉ là trẻ sẽ thức khuya nhiều hơn khi có thời gian. Không chỉ vậy, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế cũng đạt được điểm số cao hơn và ít vắng học hơn.
Thời gian bắt đầu học đang trở thành một câu hỏi đối với chính sách công tại Mỹ. Các nhà lập pháp tại bang California đã đưa ra dự luật yêu cầu các trường không bắt đầu học trước 8h 30 sáng. Tuy nhiên, cuối cùng chính quyền đã phủ quyết dự luật này và cho rằng nên để cho các trường tự quyết định.
Đối với bất kỳ trường học nào, thay đổi giờ học sẽ gây ra những xáo trộn lớn. Khi thời gian bắt đầu học muộn hơn, lịch làm việc của giáo viên, phụ huynh, dịch vụ đưa rước cũng phải thay đổi theo. Do đó cần phải biết được thay đổi có tác dụng quan trọng như thế nào.
Các nhà khoa học đã vào cuộc. Họ làm việc với giáo viên và học sinh tại hai trường trung học khác nhau tại Seattle. Có 92 học sinh của 2 lớp tham gia vào thử nghiệm, các em được đeo một vòng theo dõi ở cổ tay trong suốt 2 tuần. Một năm sau, khi thời gian học bắt đầu thay đổi, thử nghiệm được lặp lại với 88 em học sinh ở 2 lớp có cùng độ tuổi với nhóm trước.
Kết quả cho thấy, trung bình các học sinh đã ngủ nhiều hơn 34 phút mỗi đêm kể từ khi thời gian bắt đầu học muộn hơn. Các em cũng cho biết ít cảm thấy buồn ngủ và tỉnh táo hơn. Quan trọng nhất, kết quả học tập của các học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã tăng lên 4,5% so với trước đây. Đồng thời nhóm trẻ này cũng không còn tình trạng đi trễ và vắng nhiều hơn so với nhóm trẻ có điều kiện kinh tế tốt như trước khi đổi giờ.
Theo các nhà khoa học, có thể lí giải dễ dàng việc học sinh được ngủ nhiều hơn thì ít gặp cảm giác buồn ngủ nhưng với kết quả học tập tăng lên thì khó làm rõ được. Tuy nhiên, chắc chắn là những học sinh được nghỉ ngơi tốt hơn, tỉnh táo hơn sẽ có khả năng đạt được kết quả học tập tốt hơn.