Người Ai Cập cổ bắt hàng triệu chim săn mồi để ướp xác

  •  
  • 160

Xác ướp hàng triệu con cò quăm và chim săn mồi để tế các vị thần Horus, Ra hoặc Thoth được phát hiện trong những nghĩa trang ở thung lũng sông Nile.

Số lượng xác ướp chim lớn như vậy dấy lên câu hỏi về nguồn gốc của chúng. Các nhà khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Đại học Claude Bernard Lyon 1 và Trung tâm Nghiên cứu Phục dựng của Bảo tàng Pháp (C2RMF) tiến hành phân tích hóa địa chất những xác ướp ở Bảo tàng Confluences, Lyon. Theo kết quả nghiên cứu công bố hôm 22/9/2020 trên tạp chí Scientific Reports, tất cả đều là chim hoang dã.

Nhóm nghiên cứu kiểm tra xác chim ó Buteo chân dài.
Nhóm nghiên cứu kiểm tra xác chim ó Buteo chân dài. (Ảnh: Romain Amiot/LGL-TPE/CNRS).

Hàng chục triệu xác ướp động vật bao gồm động vật có vú, bò sát, chim được dùng làm tế phẩm trong những nghĩa trang ở thung lũng sông Nile là bằng chứng về nghi thức tôn giáo tồn tại từ thời Cổ Vương quốc (thiên niên kỷ 3 trước Công nguyên) tới thời Ai Cập thuộc La Mã (thế kỷ 1 - 3). Để xác định những con chim bị ướp xác là vật nuôi hay săn bắt, nhóm nghiên cứu gom các mẩu lông, xương và vải quấn từ 20 con cò quăm và chim săn mồi trong bộ sưu tập của bảo tàng Confluences. Nếu đó là chim nuôi, chế độ ăn của chúng sẽ đồng nhất, thể hiện qua thành phần đồng vị từ xác chim.

Các nhà nghiên cứu xác định niên đại nhiều mô bằng đồng vị carbon-14, đồng thời đo thành phần đồng vị oxy, carbon, nitrogen, lưu huỳnh và strontium. Tuy nhiên, thành phần đồng vị thể hiện mức độ khác biệt cao, chứng tỏ những con chim là động vật hoang dã, di cư theo mùa khỏi thung lũng sông Nile.

Kết hợp với nghiên cứu di truyền do nhóm chuyên gia khác tiến hành, các nhà khoa học Pháp xác nhận người Ai Cập cổ đại hoạt động săn bắt hàng loạt chim hoang dã giống như mô tả trong những bức bích họa trên tường mộ, ví dụ mộ Nakht ở nghĩa trang Theban.

Cập nhật: 24/09/2020 Theo VnExpress
  • 160