Người Ai cập cổ thích ăn thịt lợn

  •  
  • 1.159

Người Ai Cập cổ đại, không giống như tín đồ của phái đạo Hồi, ưa chuộng món thịt lợn. Nhà nghiên cứu bệnh học Fabrizio Bruschi tại Đại học Pisa, Italy, và cộng sự đã phát hiện thấy trường hợp cổ nhất của căn bệnh gạo sán liên quan tới lợn, trong một xác ướp thời Ptolemaic muộn (thế kỷ 1-2 trước Công nguyên).

Bệnh gạo sán bắt nguồn từ thịt lợn chưa nấu kỹ do sán dây trong thịt lợn Taenia solium gây ra.

Chiếc quách bằng gỗ tinh xảo

Xác ướp mang tên "mummia di Narni" nằm tại thị trấn ở trung tâm Italy, thuộc về một người phụ nữ trẻ 20 tuổi. Là một quý cô thuộc tầng lớp cao, cô nằm trong một chiếc quách bằng gỗ trang trí đẹp.

"Tuy nhiên, những bàn tay thiếu tôn kính đã gỡ mất dải băng quấn quanh người cô", Edda Bresciani, nhà Ai cập học nói.

Khi gỡ bỏ phần dạ dày, các nhà nghiên cứu nhận thấy một phần thương tổn trên thành bụng. "Đó là một vết thương rộng 6x4 mm, với rất nhiều chỗ lồi lõm. Đó là dấu hiệu đặc trưng của ấu trùng sán dây Taenia solium", Bruschi nói.

Không phổ biến trong thế giới công nghiệp hoá, nhưng bệnh gạo sán vẫn ảnh hưởng tới khoảng 50 triệu người trên toàn cầu. Những vùng bệnh bao gồm Trung và Nam Mỹ, vùng cận sahara Châu Phi, Ấn Độ và Đông Á.

Cuộc phân tích xác ướp đã khẳng định lợn được nuôi ở Ai Cập. Thực tế, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy xương lợn, cho thấy lợn là một phần trong thực đơn của người Ai Cập cổ.

"Trong lịch sử Ai Cập cổ, lợn gắn liền với thần Set/Seth, anh em tội lỗi của thần Osiris. Trong thời gian việc thờ cúng thần Osiris thịnh hành, thịt lợn không được phép ăn. Vào thời điểm thờ cúng thần Seth, thịt lợn lại được yêu thích", giáo sư Louis Grivetti tại Đại học California, nói.

Theo Grivetti, tác giả cuốn Food: The Gift of Osiris, điều này có nghĩa là thịt lợn được ăn vào triều đại thứ 19 khi mà các vị vua mang tên Seti (người thân của Set/Seth) và Rameses trị vì.

M.T. (theo Discovery)

Theo Vnexpress
  • 1.159