Người dân Ấn Độ nỗ lực cứu loài cá sấu mõm dài khỏi bờ vực tuyệt chủng

  •  
  • 142

Dọc theo sông Gandak ở Ấn Độ, loài cá sấu mõm dài gharial đang được chính người dân giải cứu trước bờ vực tuyệt chủng.

Cá sấu mõm dài được gọi là Gharial
Cá sấu mõm dài được gọi là Gharial
bởi mõm của con đực có hình dáng giống như một cái nồi đất truyền thống "gharia" của Ấn Độ. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Cá sấu mõm dài hiện chỉ còn sống ở Ấn Độ và Nepal, chúng từng phân bố rộng khắp các dòng sông ở Nam Á. Do môi trường sống suy thoái, nạn săn bắt và tình trạng chết vì mắc lưới đánh cá, số lượng cá thể của loài này đã giảm mạnh.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), năm 1946, loài Gharial có 10.000 cá thể, tới năm 2006, chỉ còn dưới 250 cá thể.

Trước tình hình loài này gần như tuyệt chủng, chính phủ Ấn Độ cùng các tổ chức phi lợi nhuận đã thực hiện các chương trình bảo tồn, nhân giống và giám sát các tổ cá sấu mõm dài. Nhờ đó, số lượng cá thể trưởng thành trong tự nhiên đã tăng lên khoảng 650.

 Sông Gandak
Sông Gandak là một trong các con sông chính ở Nepal và là một nhánh tả ngạn sông Hằng ở Ấn Độ (Ảnh: Wikimedia Commons)

Trong đó nổi bật nhất là Dự án Phục hồi Cá sấu Gharial Gandak, được thực hiện tại 35 ngôi làng dọc theo sông Gandak. Theo Samir Kumar Sinha, trưởng nhóm sinh thái học Tổ chức Wildlife Trust of India (WTI), vùng bờ sông Gandak có hệ thống đầm lầy và cồn cát phong phú là môi trường lý tưởng cho cá sấu mõm dài.

Những người nông dân và ngư dân địa phương đã trở thành những người cha mẹ chăm sóc loài cá sấu này, họ tình nguyện theo dõi các tổ trứng, giám sát hoạt động và hỗ trợ trong việc khảo sát số cá thể.

Jitendra Gautam, người bảo vệ tổ cá sấu ở làng Chilwania, huyện Pashchim Champaran cho biết: "Vào tháng 4, người dân tổ chức những buổi dã ngoại bên bờ sông để ăn mừng khi lần đầu tiên nhìn thấy cá sấu mẹ đẻ trứng".

Người dân theo dõi từng tổ trứng, mỗi tổ chứa từ 35 - 50 quả. Nếu thấy tổ trứng có nguy cơ bị nước cuốn trôi, họ sẽ chuyển chúng đến một nơi an toàn hơn. Mỗi quả trứng đều được đánh dấu, che phủ bằng cát và lưới để bảo vệ khỏi các loài thú ăn thịt.

Đến giữa tháng 6, những con cá sấu con chào đời, chúng được thả cẩn thận về sông ngay cạnh tổ mẹ. Người dân sẽ tổ chức một buổi lễ mừng cho sự ra đời của lũ cá sấu non, với món ăn truyền thống dahi-chura (món ăn bao gồm sữa chua và cơm).

Cá sấu mõm dài có thể dài tới 4,5 mét và nặng tới 900 kilogam.
Cá sấu mõm dài có thể dài tới 4,5 mét và nặng tới 900 kilogam. (Ảnh: ZSSD/Minden).

Ông Lalasha Yadav, một nông dân tại làng Lediharwa, huyện Tây Champaran xúc động chia sẻ: "Chúng tôi hạnh phúc vô cùng mỗi khi thấy những đứa con bé nhỏ thò chiếc mõm mảnh mai ra khỏi trứng".

Dự án bảo tồn này không chỉ giúp phục hồi một loài bò sát quý hiếm mà còn gắn kết cộng đồng nông dân và ngư dân địa phương. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự suy thoái môi trường ngày càng diễn ra, sự chung tay bảo tồn các loài động vật quý hiếm ngày càng trở nên cần thiết.

Cập nhật: 07/10/2024 Dân Trí
  • 142