Người đàn ông tạo ra tế bào gốc phôi

  •   32
  • 1.334

10 năm trước trong căn phòng thí nghiệm nhỏ bé giống một cái phòng riêng, James “Jamie” Thomson, nhà phôi học, thuộc đại học Wisconsin, Madison đã thay đổi cả thế giới nhờ những tế bào gốc phôi người đầu tiên.

Tuy nhiên rất ít thí nghiệm được tiến hành do gặp phải làn sóng tranh luận mạnh mẽ. Mới đây, Thomson đã góp công sức lớn trong việc tạo ra tế bào gốc toàn năng (pluripotent stem cells). Một ngày nào đó tế bào gốc toàn năng sẽ mang lại lợi ích của tế bào gốc phôi mà không phải hủy hoại phôi.

Thomson đã được công ty công nghệ sinh học Geron hỗ trợ về tài chính để thực hiện các thí nghiệm do cả trường đại học của ông cũng như chính phủ không đảm nhận trách nhiệm này. Nhưng ông đã chấm dứt mối quan hệ với Geron vào năm 2001 khi có nguồn hỗ trợ từ phía Chính phủ. Ông gần như không còn liên quan đến thương mại, kinh doanh.

James "Jamie" Thomson.
(Ảnh: ink.primate.wisc.edu)

Tuy nhiên hiện nay ông vẫn là đồng sáng lập công ty Cellular Dynamics International lấy việc thử nghiệm dược phẩm điều trị tác dụng phụ đối với tim làm trung tâm. Đa số các cuộc tranh luận về tế bào gốc phôi đều hướng vào việc thay thế bộ phận cơ thể bị hủy hoại, nhưng Thomson lại nhìn thấy triển vọng lớn trong công việc nghiên cứu thuốc. Dưới đây là một phần đoạn phỏng vấn giữa Forbes và Thomson. Cả câu hỏi và câu trả lời đã được hiệu chỉnh đôi chút cho rõ ràng hơn.

Forbes: Ông có cho rằng tế bào gốc phôi có giá trị lớn hơn trong nghiên cứu thuốc so với cấy ghép tế bào?

Tôi thực sự tin rằng giá trị của tế bào gốc phôi không chỉ bó hẹp trong kỹ thuật cấy ghép. Rất khó có thể dự đoán tương lai, nhưng tôi cho rằng 20 năm sau nhìn lại chúng ta sẽ thấy 90% giá trị của tế bào gốc phôi sẽ nằm trong những thứ chưa thực sự xuất sắc. Có thể là sàng lọc thuốc, dù hơi nhàm chán nhưng cũng giúp dược phẩm có mặt trên thị trường nhanh hơn và an toàn hơn.

Tôi tin kỹ thuật cấy ghép sẽ có được vai trò quan trọng trong một số lĩnh vực, nhưng chúng ta đang đánh giá thấp thử thách sẽ gặp phải đối với hầu hết các bệnh. Chúng ta có thể theo đuổi một số mục tiêu tầm thấp nhưng đối với những mục tiêu như bệnh thần kinh thì không dễ gì có thể khiến mọi thứ kết nối lại với nhau. Sẽ tốt hơn nhiều nếu hiểu được tại sao các tế bào lại chết để rồi ngăn chặn điều đó.

Tế bào gốc phôi người bất ngờ mang đến cho ta cơ hội tiếp cận với mọi bộ phận của cơ thể người mà trước đây chúng ta không thể tiếp cận tới. Nó sẽ dẫn đến hiểu biết tại sao tế bào lại chết cũng như khám phá thêm nhiều liệu pháp cổ truyền giúp ngăn ngừa lão hóa tế bào. Đối với căn bệnh Parkinson, nếu chúng ta có thể chẩn đoán ngay từ giai đoạn đầu mắc bệnh rồi khống chế nó thì cũng tốt như điều trị. Tôi cho rằng điều này có thể thực hiện được.

Theo ông, tại sao các liệu pháp cấy ghép lại có sức lôi cuốn đến thế?

Hãy thử tưởng tượng chúng ta có thể tạo ra cả một bộ phân mới, thế không phải là hấp dẫn hay sao. Tôi đã theo lĩnh vực này 10 năm nay. Ban đầu tôi tạo ra tế bào gốc phôi người với vai trò làm mô hình cho quá trình phát triển của con người. Lúc đó tôi đã biết nó mang cả các ứng dụng khác nữa, nhưng chỉ là niềm vui thích cá nhân của tôi thôi. Bởi vì khi không có một mô hình nào chính xác hơn thì chúng ta không thể tiếp cận trực tiếp được với các vật liệu trong cơ thể con người. Mà chuột thí nghiệm thì lại khác với chúng ta.

Nói đến chuột thí nghiệm, quả thực chúng nhanh hơn, tiết kiệm hơn và cũng tốt hơn trên nhiều phương diện. Nhưng đối với những căn bệnh đặc trưng cho loài thì tế bào gốc phôi người lại cực kì giá trị. Có rất nhiều thi thể người chúng ta không thể tiến hành nghiên cứu bởi tế bào không phát triển. Đa số là như thế.

Các nơron sản xuất dopamin (dopaminergic neuron) thường bị hủy hoại khi mắc bệnh Parkinson. Hiện nay, lần đầu tiên trong lịch sử, con người đã có thể tạo ra depaminergic nơron thường xuyên. Tôi biết có rất nhiều người sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật cấy ghép và tôi hy vọng họ sẽ thành công. Nhưng thực ra tôi cũng khá ngạc nhiên nếu 10 hoặc 20 năm nữa kể từ bây giờ chúng ta không có hiểu biết tường tận về bản chất sinh học của căn bệnh đến nỗi không cần phải sử dụng đến kỹ thuật cấy ghép. Mặc dù tế bào gốc phôi người cũng như các tế bào gốc toàn năng không phải nền tảng để tạo dựng câu chuyện thì chúng cũng sẽ là một hợp phần thiết yếu trong đó.

Tại sao ông cho rằng tế bào gốc phôi người mang lại cơ hội lớn trong nghiên cứu dược phẩm? Những cơ hội đó là gì?

Một cơ hội thực tế khá dễ dàng là trái tim. Chúng tôi chọn con đường này bởi ngành dược nhận ra đây là lĩnh vực quan trọng, hơn nữa chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến của giới chuyên môn. Phân tích ban đầu cho cái được gọi là biện pháp kéo dài QT đã được tiến hành, và Craig January chính là người sáng lập. Ông ấy hiểu rõ về ngành công nghiệp chất độc, họ tin tưởng ông ấy, còn thị trường thì rất đơn giản. Tạo ra tế bào tim không khó nhưng lại không hề có nguồn mẫu tế bào tim người đáng tin cậy nào khác. Chúng ta đã biết có những phản ứng dược phẩm dữ dội xảy ra trong tế bào tim người thường không xuất hiện ở chuột. Đây là một cú lừa đơn giản mà ngành dược mang đến cho chúng tôi.

Chắc chắn có rất nhiều nhà tư bản tìm đến với ông trong suốt 10 năm qua. Vậy tại sao ông không thành lập một công ty ngay bây giờ?

Tôi chỉ mới hứng thú với công việc này gần đây. Theo suy nghĩ của tôi, thời điểm chính là lúc này. Tuy nhiên cũng có một số vấn đề. Trở lại thời điểm tôi tạo ra tế bào gốc phôi người, lúc đó tôi không cho rằng thành lập một công ty là hợp lý, đơn giản là do còn quá sớm. Có rất nhiều việc cơ bản cần phải tiến hành. Trong suốt 10 năm qua tôi cũng đã thực hiện được rất nhiều trong số đó.

Thêm nữa tôi nghĩ chưa có ai thực hiện công việc một cách hợp lý vì thế vẫn còn cơ hội. Một phần mọi người đều muốn tập trung vào điều trị mà gạt tế bào gốc phôi sang một bên. Không có ai thực sự chuyên tâm thực hiện. Do chúng tôi có kỹ năng trong ngành độc tính tim mạch nên chúng tôi muốn thử sức cũng là lẽ đương nhiên.

Theo ông, các tranh luận chính trị đã bóp méo quan điểm của công chúng về bản chất của khoa học như thế nào?


Theo tôi ở các thời điểm khác nhau cả hai phía đều khiến sự thật trở nên mơ hồ đôi chút. Một phía đưa ra quan điểm của mình, phía kia sẽ có cảm giác bị ép buộc phải phản bác. Dù bạn có nói những điều lý trí, phải đạo thì cũng không thể lan truyền thông điệp đi xa. Tình thế này có thể hiểu được, nhưng hậu quả nó gây ra chính là con người sẽ không được trang bị đầy đủ kiến thức về những gian nan khi nghiên cứu các liệu pháp cấy ghép dựa trên tế bào gốc phôi người. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ.

Thực ra tôi chưa lấy số liệu thống kê về các ca cấy ghép tủy xương thời gian đầu nhưng các bệnh nhân đã không còn nữa. Đối với một phương pháp điều trị bệnh mới mẻ như thế này, tất nhiên sẽ xảy ra những tai nạn không mong muốn. Một số liệu pháp cấy ghép cũng không phát huy tác dụng. Nhưng không phải vì thế mà nó phá hỏng cả lĩnh vực, chỉ là một số các phương pháp trong đó sẽ cần phải được nghiên cứu thật kỹ lưỡng.

Ông có lường trước mức độ làn sóng tranh luận mà mình gặp phải hay không?

Cừu Dolly được nhân bản vô tính năm 1997. Tất cả các phóng viên xoay quanh chú cừu Dolly đều phải chuyển hướng sang tế bào gốc phôi vào năm 1998. Tôi nhận thức được nó sẽ tạo nên một trận bão lửa. Tôi không dự tính được nó sẽ kéo dài bao lâu, phần lớn là do cuộc bầu cử của tổng thống George Bush. Nếu nó trở thành một ngành khoa học bình thường từ 8 năm trước thì chúng ta có lẽ đã vượt qua được quãng đường xa hơn.

Lĩnh vực này có những đặc điểm tương đương lớn so với ADN. Kỹ thuật ADN cũng đã trải qua dư luận xã hội tương tự vào đầu những năm 1970, sau đó là thỏa hiệp rồi xúc tiến. Hiện chúng ta mất nhiều thời gian hơn một chút chính là do chu trình bầu cử.

Mặt khác, mọi người không thể dự đoán được nó sẽ đi đến đâu. Họ cho rằng liệu pháp gen phải có mặt ở đây nhưng nó lại không xảy ra như thế. Không ai có thể dự đoán được rằng kỹ thuật gen lại có được bước phát triển như ngày nay.

Tế bào gốc phôi người rồi sẽ trải qua quá trình tương tự. Mọi người chưa đánh giá được hết ứng dụng rộng rãi của công cụ nghiên cứu này. Bất cứ một phòng thí nghiệm y học ở trường học nào rồi cũng sẽ phải sử dụng đến chúng. Nhưng các nhà khoa học sẽ không tự xưng là nhà sinh học tế bào gốc nữa, họ chỉ sử dụng tế bào gốc để nghiên cứu lĩnh vực mà họ quan tâm. Khi điều này mang lại kết quả thì nó sẽ hoàn toàn tách biệt với ngành sinh học tế bào gốc. Tôi có niềm tin chắc chắn rằng kỹ thuật tế bào gốc sẽ làm thay đổi sâu sắc lĩnh vực y học của loài người.

Bài do tiến sĩ Trần Mạnh Hùng , M.A., S.T.D cung cấp
Trà Mi chuyển ngữ

  • 32
  • 1.334