Người đầu tiên nuôi thành công tôm sú giống ở miền Bắc

  •  
  • 1.655

Chàng trai đó là Đỗ Quang Bốn (sinh năm 1971, tại xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, Thái Bình); Giám đốc doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản Phương Nam - một trong 75 nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2006.

Cũng như nhiều gia đình khác sống bám biển, hàng năm cứ đến vụ nuôi tôm sú, cua, cá... gia đình Đỗ Quang Bốn lại phải mua giống của các thương gia từ Trung Quốc.

Hàng năm, bà con ven biển Thái Bình phải nhập hàng 100 triệu con tôm sú giống, giá thành cao nhưng chất lượng không cao. Con giống đưa về nuôi thả thường phát triển chậm, chứa mầm bệnh. Có những đợt, nuôi một thời gian phát bệnh tôm chết hàng loạt.

Nhiều năm liền gia đình Bốn cùng nhiều chủ đầm tôm trong huyện Thái Thụy đã ném xuống biển hàng chục, hàng trăm triệu đồng vì mua phải giống kém chất lượng.

Lớn lên trong gia đình nhiều đời gắn bó nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, nhìn những đầm tôm bát ngát, Đỗ Quang Bốn trăn trở: “Tại sao lại không xây dựng trại sản xuất tôm sú và các giống thủy sản ngay trên quê hương để chủ động cung cấp con giống chất lượng, vừa hạ được giá thành, vừa kiểm soát được con giống, chủ động xử lý các dịch bệnh phát sinh?”.

Trại sản xuất tôm giống đầu tiên của miền Bắc

Đỗ Quang Bốn (Ảnh: TP)

Được sự động viên của gia đình, người thân, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, đoàn thể, năm 2001, Đỗ Quang Bốn đã thuê 9.000m2 bãi bồi ven biển thuộc xã Thái Thượng, xây dựng Trại sản xuất tôm sú giống. Khi Bốn bắt tay xây dựng trại giống thì miền Bắc chưa có cá nhân, doanh nghiệp, địa phương nào lai tạo cho tôm sú đẻ thành công.

Để nắm bắt kỹ thuật, thăm quan mô hình, trao đổi kinh nghiệm, Bốn đã rong ruổi đến nhiều cơ sở sản xuất tôm giống ở Trung Quốc; lặn lội đến các tỉnh miền Trung, miền Nam nước ta để học hỏi và rút kinh nghiệm từ các mô hình.

Bốn vào Trường Đại học Thủy sản Nha Trang “tầm sư học đạo”. Trước nhiệt tình và cầu thị của anh, các giảng viên của Trường Đại học Thủy sản Nha Trang đã nhận giúp đỡ tư vấn về kỹ thuật nuôi tôm sú giống.

Anh cử 5 công nhân cùng mình vào trường để học tập kinh nghiệm, nhất là cách khắc phục các yếu tố bất thuận về môi trường, khí hậu, độ mặn, độ PH....

Nguồn kiến thức khoa học cộng với kinh nghiệm kỹ thuật học tập được từ những chuyến đi thực tế và kinh nghiệm của gia đình, anh đã xây dựng thành công tại vùng biển Thái Bình trại tôm sú giống đầu tiên của miền Bắc . Không thể kể hết những khó khăn về những tháng ngày xây dựng và nuôi thử tôm sú sinh sản, nhưng với sự quyết tâm cao độ kết quả đã không phụ công người.

Năm 2002 trại giống đã cho tôm sú đẻ thành công với số lượng 4,5 triệu con; năm 2003 là 10,5 triệu con; năm 2004 là 17 triệu con; năm 2005 trên 20 triệu con; năm 2006 tăng lên 25 triệu con.

Trong câu chuyện buồn vui về nuôi tôm sú giống, tôi rất ấn tượng về một câu chuyện của Đỗ Quang Bốn. Tất cả những mẹ tôm sau khi đã sinh nở từ 2 đến 3 lần thì đều được trả về biển cả.

Bốn kể, những đại gia nuôi tôm để đã truyền rằng, nếu ăn thịt tôm mẹ thì các chủ nuôi tôm khó bền, trước sau cũng thất bại. Đã đôi lần, tôm mẹ được Bốn thả lại được người dân bắt về bán cho Bốn, Bốn mua lại rối tiếp tục thả về biển.

Sản xuất thành công giống tôm he Nhật Bản, cá bớp và cua biển

Sắp tới tôi phấn đấu cung cấp cho thị trường 30 triệu con giống tôm sú P15, 10 vạn con cá bớp, trên 10 vạn con cua biển, 8 vạn con tôm he Nhật Bản. Nếu thành công, với số lượng đạt 20 triệu con sẽ tăng thêm vụ nuôi tôm, tăng hiệu quả cho nghề nuôi trồng thủy hải sản trong vùng.

Bốn tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật, công nghệ và mở rộng quy mô năng lực sản xuất của trại tôm giống. Đặc biệt, năm 2004, Bốn mở rộng nhiều nghiên cứu, học tập kỹ thuật và sản xuất thành công giống tôm he Nhật Bản, với số lượng 2 triệu con P15, giống cá bớp nhân tạo 5.000 con.

Anh cũng đã triển khai nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cua biển và sản xuất được 100.000 con, tiếp nhận 7 vạn giống phục vụ cho phong trào nuôi trồng thủy sản của người dân trong huyện.

Cùng với việc nghiên cứu sản xuất các con giống thủy sản, Bốn đã đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ đạt năng suất trên 6 tấn/ ha/ năm, liên kết hướng dẫn kỹ thuật cho một số ngư dân của vùng Dự án chuyển đổi đất sản xuất lúa sang nuôi trồng thủy sản ở xã Thái Đô do Bộ Nông nghiệp & PTNT đầu tư.

Kết quả các ao nuôi đều cho năng suất từ 3,5 đến 5,5 tấn/ha, doanh thu đạt 220 đến 300 triệu đồng/ha.

Nhà nông trẻ xuất sắc

Từ 400 triệu đồng vốn trong đó khoảng 300 triệu đồng là vốn vay, đến năm 2006, trại tôm giống Phương Nam đã đầu tư trên 4 tỷ đồng để mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất tôm sú giống cùng một số con giống khác. Từ đó doanh thu của doanh nghiệp cũng tăng dần. Năm 2002, đạt 300 triệu đồng, năm 2003 đạt 550 triệu, năm 2004 đạt 800 triệu, năm 2006 đạt trên 1 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động có mức thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thời vụ cho 30 lao động, có thu nhập đạt trên 500.000 đồng/ tháng.

Với những thành tích trên, doanh nghiệp tôm giống của Đỗ Quang Bốn đã được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh tặng bằng khen.

Năm 2005, Đỗ Quang Bốn được tham dự Đại hội thi đua tỉnh Thái Bình, Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ 5, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh biểu dương khen thưởng; năm 2006, Đỗ Quang Bốn vinh dự trở thành Nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc được TƯ Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của.

Lã Quý Hưng

Theo Tiền phong
  • 1.655