Heather Sellers bước vào quán ăn quen thuộc. Mọi người đều mỉm cười và gật đầu chào cô. Nhưng Heather chẳng nhận ra ai trong số họ. Đối với cô, tất cả đều là người xa lạ. Ngay cả khuôn mặt của chính mình, cô cũng không nhận ra.
Heather Sellers. |
Thậm chí Heather cũng chẳng nhận ra chồng. Mỗi ngày khi đi làm về, cô lại giật mình vì trong nhà có một người đàn ông lạ mặt và chỉ thở phào "thì ra đó là chồng mình" sau khi quan sát những thứ anh đang mặc. Nhưng tệ nhất là cô không thể nhớ nổi cả khuôn mặt chính mình trong những tấm ảnh.
Heather không phải là nạn nhân duy nhất của căn bệnh kỳ lạ này. Jim Heard, một giáo viên mỹ thuật về hưu cũng phải chật vật đối phó với nó từ hơn 60 năm qua. Để hòa nhập được với xã hội, ông cố gắng ghi nhớ ở mỗi người những chi tiết khác như ăn mặc, giọng nói, dáng đi. Điều đáng buồn là hai con gái của Jim cũng mắc bệnh giống ông.
Rắc rối mà Heather, Jim và các con gặp phải được y học gọi là hội chứng mù nhận diện hay Prosopagnosia. Hình ảnh khuôn mặt của những người vừa gặp lập tức trôi tuột ra khỏi trí nhớ bệnh nhân ngay sau khi họ đi khỏi. Nguyên nhân không phải ở thị giác vì cả Heather, Jim và các bệnh nhân khác đều có thị giác hoàn hảo.
Bệnh mù nhận diện cũng không phải do trí nhớ kém. Heather là giáo viên tiếng Anh. Cô nhớ tất cả các bài giảng, thuộc làu làu vô số thành ngữ hiểm hóc và không bao giờ quên nội dung những cuốn sách đã đọc. Còn Catherine, con gái của Jim Heard là một họa sĩ có trí nhớ siêu hạng. Cô có thể vẽ lại bức tranh Hoa súng của Monet chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Thế mà không ai trong số họ nhớ nổi dù chỉ một khuôn mặt.
Những thí nghiệm do các nhà nghiên cứu Đại học Harvard tiến hành cho thấy, những người bị Prosopagnosia có thể nhận ra các trạng thái cảm xúc biểu lộ trên khuôn mặt người khác như vui, buồn, giận dữ. Họ cũng có thể phân biệt được giới tính, chủng tộc và thậm chí cả vẻ đẹp của từng khuôn mặt; nhưng điều kỳ lạ là họ không thể nhớ được khuôn mặt nào của ai.
Các nhà khoa học ở Viện công nghệ Massachusetts cũng đang nghiên cứu về căn bệnh bí ẩn này. Lúc đầu họ cho rằng bệnh nhân Prosopagnosia bị mất một phần não có chức năng nhận diện; nhưng kiểm tra cho thấy không những Heather và những người bệnh khác có phần não này mà chúng còn có vẻ hoàn toàn bình thường.
Cho đến nay, Prosopagnosia vẫn là một câu hỏi lớn đối với các nhà nghiên cứu. Cũng chưa có biện pháp nào có thể giảm nhẹ căn bệnh. Mỗi lần đi đón con ở trường, Heather vẫn phải nhờ cô giáo chỉ giúp. Cô đã mấy lần đón nhầm các bé khác vì cứ nghĩ đó là con mình.