Quá trình tiến hóa cho phép loài người chế giễu và sỉ nhục đồng loại bằng tiếng cười, trong khi các động vật linh trưởng khác không làm như vậy.
Tiến sĩ Marina Davila Ross, nhà linh trưởng học kiêm chuyên gia tâm lý của Đại học Portsmouth, Anh, từng nghiên cứu cách con người học cười từ những động vật linh trưởng vốn là tổ tiên của chúng ta. Daily Mail cho biết, trong một nghiên cứu mới, cô nhận thấy kể từ khi biết cười, các loài động vật linh trưởng đã sử dụng tiếng cười vào nhiều mục đích.
|
Con người sử dụng tiếng cười trong nhiều hoàn cảnh, kể cả khi châm chọc, nhạo báng hoặc sỉ nhục đồng loại. Ảnh: callaghanstudios.co.uk. |
Theo Ross, động vật linh trưởng lớn ở châu Á (đười ươi) chỉ cười khi chúng cảm thấy vui vẻ hoặc phấn khích, còn động vật linh trưởng lớn tại châu Phi (khỉ đột, tinh tinh, khỉ bonobo) dùng tiếng cười để tác động tới những con khác. Con người sử dụng tiếng cười trong nhiều hoàn cảnh, trong đó có việc châm chọc, nhạo báng hoặc sỉ nhục đồng loại.
"Tiếng cười của người và động vật linh trưởng châu Phi tiến hóa xa hơn so với động vật linh trưởng châu Á", Ross nhận xét.
Ban đầu tổ tiên của chúng ta cũng chỉ dùng tiếng cười để tác động tới người khác. Nhưng trong 5 triệu năm qua con người đã sử dụng tiếng cười vào nhiều mục đích hơn.
"Tiếng cười có thể xuất hiện trong mọi hình thức tương tác giữa người với người, kể cả nhạo báng nhau", Ross nói.
|
Ross nhận thấy đười ươi có xu hướng phát ra tiếng kêu nhiều hơn tiếng cười. Ảnh: Daily Mail. |
Nghiên cứu của Ross cho thấy, mặc dù tất cả hậu duệ của những loài động vật linh trưởng lớn đều biết cười, song âm thanh của tiếng cười thay đổi dần trong quá trình tiến hóa. Sự thay đổi âm thanh diễn ra đồng thời với thay đổi về hành vi của các loài. Chẳng hạn, động vật linh trưởng lớn ở châu Á có xu hướng phát ra những tiếng kêu nhiều hơn tiếng cười. Trong khi đó người và động vật linh trưởng lớn tại châu Phi cười nhiều hơn.
Ross thực hiện nghiên cứu cùng Michael Owren - một nhà khoa học của Đại học Georgia, Mỹ - và Elke Zimmermann - chuyên gia của Đại học Thú y tại thành phố Hannover, Đức. Công trình nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Communicative and Integrative Biology.