Ở tuổi 80, Sue Finley vẫn đang làm việc tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nơi bà tính toán các phương trình toán học, chẳng hạn như quỹ đạo của tên lửa hoặc tàu vũ trụ, trong hơn 50 năm qua.
Finley sinh ra tại thành phố Los Angeles, California (Mỹ), sau đó chuyển đến sống tại thành phố Fresno cùng với gia đình vào lúc 6 tuổi. Lớn lên, bà quay trở lại California để đăng ký học nghệ thuật và kiến trúc tại Đại học Scripps, nhưng bỏ học giữa chừng khi nhận ra mình không có năng khiếu trong lĩnh vực này. Rồi bà nộp đơn xin làm nhân viên văn thư tại hãng sản xuất máy bay và tên lửa Convair ở Pomona.
Sau khi thực hiện một bài kiểm tra đánh máy, công ty nói với bà vào ngày hôm sau rằng vị trí này đã đủ người, nhưng họ hỏi bà cảm thấy như thế nào về những con số. Bà trả lời: “Ồ, tôi yêu những con số, thích hơn nhiều so với chữ viết. Vì vậy, họ để tôi làm việc như một máy tính”, Finley cho biết.
Vào giữa thập niên 1950, nhiều phụ nữ có thể tính toán các bài toán phức tạp bằng tay liên quan đến đường hầm gió, quỹ đạo tên lửa, hoặc những vấn đề tương tự như một máy tính. Họ đôi khi không có bằng cấp mà chỉ đơn giản là có khả năng tính toán với những con số rất giỏi.
Sue Finley, 80 tuổi, chụp ảnh bên mô hình tàu thăm dò vũ trụ Voyager 1. (Ảnh: LA Times).
Finley làm việc tại Convair khoảng một năm, sau đó lập gia đình vào năm 1957 và chuyển đến sống ở thành phố San Gabriel. Chồng bà - khi đó vừa tốt nghiệp Học viện Công nghệ California - khuyên vợ xin việc tại JPL để được gần nhà hơn. JPL cần một người có khả năng tính toán giỏi và cuối cùng họ đã thuê Finley. Ba ngày sau, vào ngày 31/1/1958, chương trình không gian của Mỹ có một bước tiến khổng lồ khi phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên Explorer 1 vào vũ trụ. “Những gì tôi nhớ là chúng tôi chỉ có một chiếc bánh lớn để ăn mừng. Không có nhiều người làm việc tại JPL vào thời điểm đó”, Finley nhớ lại.
NASA được thành lập vào tháng 7/1958; đến tháng 12/1958, cơ quan này đảm nhận việc kiểm soát JPL. Kể từ đó, Finley là nhân viên chính thức của NASA.
Đóp góp lớn nhất của Finley trong những năm đầu làm việc tại JPL liên quan đến Pioneer 3 – một tàu thăm dò có nhiệm vụ bay quanh Mặt trăng và sau đó đi vào quỹ đạo của Mặt trời. Bà đã tính toán tốc độ của tàu thăm dò sau khi máy tính kỹ thuật số thất bại.
Finley làm việc tại JPL trong 2 năm rưỡi. Sau đó bà xin nghỉ, cùng chồng chuyển đến thành phố Riverside để chồng học thạc sĩ ở Đại học California. Tại đây, bà tham gia khóa học miễn phí kéo dài một tuần về ngôn ngữ lập trình Fortran - do công ty IBM phát triển vào những năm 1950 dành cho các ứng dụng khoa học. Sau khi chồng bà học xong, họ chuyển tới sống ở thành phố Pasadena và Finley quyết định quay trở lại làm cho JPL vào năm 1962. Khi đó, Finley là một trong số ít người làm việc tại JPL biết về ngôn ngữ lập trình Fortran. Hiện nay, một trong những chương trình do Finley viết để giúp điều hướng tàu vũ trụ trong không gian vẫn đang được JPL sử dụng, mặc dù có một chút nâng cấp.
Finley còn xin nghỉ ở JPL thêm một lần nữa để chăm sóc hai con trai. Bà trở lại nhiệm sở vào năm 1969 và nhận thấy có nhiều phụ nữ làm việc tại JPL hơn so với thời điểm mình xin nghỉ. Các nữ nhân viên không còn làm việc như những chiếc máy tính mà họ trở thành lập trình viên. Vào thập niên 1970, các nhóm lập trình viên nữ - trước đây ngồi ở một văn phòng tách biệt - bắt đầu tham gia cùng các kỹ sư nam để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Năm 1980, Finley bắt đầu làm công việc của người kiểm tra phần mềm và kỹ sư hệ thống con tại Mạng lưới Không gian Sâu (DSN) của NASA, tức hệ thống ăng-ten vô tuyến khổng lồ trên khắp thế giới có thể kết nối với tàu vũ trụ trong các nhiệm vụ liên sao, cũng như một số tàu vũ trụ có quỹ đạo bay xung quanh Trái đất.
Năm 1985, hai tàu thăm dò không gian của Nga thuộc dự án Khí cầu sao Kim đã thả hai khí cầu vào bầu khí quyển của sao Kim trên đường bay đến sao chổi Halley để thu thập dữ liệu về môi trường. Mặc dù dự án này là nhiệm vụ hợp tác giữa Liên Xô và Pháp, nhưng JPL là tổ chức vận hành DSN và Finley chịu trách nhiệm viết một chương trình, bao gồm các câu lệnh có thể giúp ăng-ten DSN tự động điều hướng để thu nhận tín hiệu từ tàu vũ trụ. “Tôi nhớ khi chúng tôi lần đầu tiên nhìn thấy tín hiệu trong phòng tối, tôi đã nhảy cẫng lên vì sung sướng”, Finley nói.
Kể từ thập niên 1990, Finley tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau của NASA, trong đó có sứ mệnh robot thám hiểm sao Hỏa (Mars Exploration Rover) và tàu vũ trụ Juno tiếp cận sao Mộc vào năm 2016. Bà giúp thiết kế các bộ tần số vô tuyến đặc biệt cho phép tàu vũ trụ truyền thông tin về Trái đất tương ứng với các hành động mà nó đang thực hiện. NASA dựa vào các tín hiệu này để cập nhật tình hình và biết được điều gì đang xảy ra.
Hiện nay, Finley đang thiết kế và thử nghiệm một máy thu sóng vô tuyến mới có kích thước bằng một hộp đựng bánh pizza cho DSN.